Bối cảnh ra đời

Chung tay vì việc nghĩa

Làm sao để tạo ra những thế hệ lãnh đạo mới có khả năng dẫn dắt doanh nghiệp của mình trong cuộc đua tranh toàn cầu? Đây không chỉ là mơ ước mà là một dự án đầy tâm huyết do gần 30 doanh nhân, trí thức cùng khởi xướng đang bắt đầu đi vào thực hiện.

Các thành viên sáng lập bày tỏ quyết tâm tham gia dự án IPL. 

Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng trường Doanh nhân PACE đã ôm ấp dự định này từ cách đây mấy năm. Và ông hiểu rằng một mình sẽ khó có thể làm nên chuyện. Muốn thành công phải được xã hội đồng tình và nhiều người cùng chung tay ủng hộ. Dự án có tên gọi “Phát triển hạt giống lãnh đạo” (IPL). Hạt giống ở đây được hiểu là những tài năng trẻ, được tuyển chọn kỹ lưỡng và được “ươm mầm” bài bản để trở thành những lãnh đạo tương lai, xuất sắc cho cộng đồng doanh nghiệp. Toàn bộ quá trình sàng lọc và đào tạo hoàn toàn miễn phí.

Nghĩ vậy nên đầu tiên ông bàn với một số người, trong đó có ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Gạch Đồng Tâm và ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch tập đoàn Sacombank. Và cả hai doanh nhân đều ủng hộ ý tưởng này ngay từ đầu.Với ông Thành, việc tìm kiếm, đào tạo tài năng trẻ giống như việc góp phần chuẩn bị "ô-xy" cho cuộc đua đường dài đầy khó khăn, thử thách sắp tới để đất nước hội nhập sâu hơn, lên tầm cao hơn với thế giới. Không chỉ đóng góp bằng tiền bạc, doanh nhân này còn muốn truyền những kinh nghiệm thương trường của mình cho lớp trẻ.

“Để hội nhập và cạnh tranh với thế giới đòi hỏi phải có những doanh nhân giỏi. Vì vậy, khi nghe ý tưởng này, tôi rất tâm đắc”, ông Đặng Văn Thành tâm sự. Một ngày cuối năm 2007, tại cuộc họp chuẩn bị cho việc ra đời dự án diễn ra tại khách sạn Sheraton Sài Gòn, ông Võ Quốc Thắng tự tin nhắc đi nhắc lại rằng dự án này sẽ thành công. Bởi dự án đã thu hút được 30 doanh nhân, trí thức cùng tham gia sáng lập, thực hiện, hơn nữa lại thực hiện một cách vô vụ lợi.

Ai cũng biết rằng thuyết phục ai đó bỏ tiền túi, bỏ công sức, trí tuệ ra mà bản thân họ không được hưởng thành quả là chuyện không đơn giản, ngay cả “triệu tập” cùng một lúc mấy chục con người luôn bận bịu công việc vào dự cuộc họp đã là khó. Ấy vậy mà 30 doanh nhân và trí thức đã cùng bắt tay, ngồi lại với nhau. 

“Ngoài các tiêu chí khá minh bạch, rõ ràng, dự án đã “đánh trúng” vào kỳ vọng đào tạo người giỏi cho các doanh nghiệp cũng như nỗi lo về sự khốc liệt của hội nhập hiện nay nên dễ dàng được hưởng ứng”, Chủ tịch HĐQT Công ty Giấy Sài Gòn, ông Cao Tiến Vị, phân tích. Điều đó giải thích vì sao chỉ trong một buổi họp các thành viên sáng lập đã đăng ký đóng góp 10 tỉ đồng để dự án được triển khai.

Nói về chuyện tham gia của mình, ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt, kể: “Có nỗi buồn là mỗi lần đi nước ngoài người ta cứ tưởng tôi là người Nhật, hay Hàn Quốc, Trung Quốc. Có lần đi công tác tại một nước Đông Âu, tôi ghé vào một nhà hàng. Nhân viên tiếp tân chào tôi bằng một câu tiếng Nhật, thấy tôi im lặng, họ lại tiếp tục bằng một câu tiếng Hàn. Tôi tự hỏi: chẳng lẽ Việt Nam lu mờ trên thế giới vậy sao? Chúng ta đang ở đâu trên bản đồ toàn cầu? Những câu hỏi ấy cứ làm tôi day dứt mãi, nên khi biết về dự án đào tạo tài năng trẻ này, tôi nhận lời ngay”.

Tương tự, TS. Vũ Minh Khương cũng cho biết có ba lý do khiến ông tham gia vào dự án IPL. Thứ nhất, đó là sự thôi thúc tự bản thân muốn tham gia vào những dự án, dù nhỏ, nhưng có tính đột phá về tư duy trong nỗ lực xây dựng đất nước. Thứ hai, đó là đội ngũ những người sáng lập có bề dày trải nghiệm, và niềm tin vào thế hệ trẻ. Thứ ba, là nội dung độc đáo của dự án.

Theo TS. Khương, cho dù xác suất thành công của dự án chưa phải là tuyệt đối, nếu dự án thành công sẽ tạo ra bước ngoặt quan trọng trong nhận thức xã hội và phương cách đào tạo tài năng. Vì vậy đây là một dự án rất cần được thử nghiệm.

Sẽ có những hạt giống đơm hoa kết quả

Kinh nghiệm của Nhật Bản và nhiều nước đã phát triển cho thấy doanh nhân có hoài bão đóng góp vào việc phát triển đất nước thường phải tự mình học hỏi qua kinh nghiệm, qua thực tế. Sau một thời gian dài họ tích lũy được kiến thức và tạo cho mình một triết lý, một phong cách kinh doanh. Trong bối cảnh của thế kỷ 19 hoặc nửa đầu thế kỷ 20, Nhật và các nước phát triển không có cách chọn lựa nào khác.

Ngày nay, trường doanh thương của các đại học nổi tiếng thế giới đóng vai trò đào tạo doanh nhân trong tương lai. Nhưng tham gia vào các chương trình này rất tốn kém, không thể cho ra đời doanh nhân với số lượng nhiều. Mặt khác, nhiều người đi học ở các trường đó có thể sẽ làm việc ở nước ngoài với thu nhập rất cao.

Dự án IPL vừa gắn bó với thực tiễn đất nước vừa tiếp cận được những tri thức tiên tiến, hy vọng những hạt giống sẽ lớn lên và đơm hoa kết quả.

GS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Nhật Bản

Tôi tự hào được vào đội ngũ những người “trồng cây”

Mức độ thành công của dự án là rất khả thi. Có ba điểm khác biệt lớn góp phần khẳng định thành công của dự án là: tính thực tế, chú trọng kỹ năng và kiến thức cập nhật, hiện đại. Kinh nghiệm thực tế về kinh doanh của các thành viên doanh nhân sáng lập sẽ được chọn lọc và đưa vào nội dung đào tạo. Khác với giáo dục tại các trường đại học, chúng tôi chú trọng xây dựng kỹ năng làm việc đồng thời giới thiệu những kiến thức hiện đại đang áp dụng thành công tại một số quốc gia trên thế giới.

Dự án góp phần giải quyết nhu cầu nhân lực về quản lý doanh nghiệp hiện nay và tôi cảm thấy tự hào được gia nhập đội ngũ “30 người trồng cây” đầu tiên này.

Đàm Bích Thủy, Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam

Thể hiện trách nhiệm đối với đất nước

Có thể đánh giá tầm vóc của một cộng đồng ở năm mức. Mức thấp nhất: mọi thành viên không thiết gặp mặt nhau. Mức thứ hai: mọi người mong gặp nhau để giao lưu. Mức thứ ba: các thành viên có thể đi đến những dự án hợp tác tay đôi cụ thể. Mức thứ tư: các thành viên cùng chia sẻ sự trăn trở và trách nhiệm về tương lai của cộng đồng và đất nước. Mức thứ năm: nỗ lực biến trăn trở và trách nhiệm của mình thành những dự án cụ thể vì lợi ích lâu dài của cả cộng đồng và đất nước. Tôi cho rằng nhóm chúng tôi đang vươn đến mức thứ năm và IPL là một dự án cụ thể khởi đầu.

Giá trị của một con người gồm ba bộ phần cấu thành ví như một cái cây. Phần gốc là hoài bão, nhân cách, tinh thần dân tộc, và ý thức hợp tác. Phần thân là tài năng, kiến thức. Phần hoa-quả là bằng cấp, thành tích trong học tập và công việc. Cách giáo dục và đánh giá con người của ta hiện nay quá chú trọng vào phần hoa-quả, trong khi coi nhẹ phần gốc; vì vậy không tạo nên sức phát triển nội sinh, lâu bền. IPL chú trọng phần gốc, rồi mới đến phần thân vì thế phần hoa-quả sẽ là thành quả tự nhiên của một nỗ lực chân chính.

TS. Vũ Minh Khương, Đại học Quốc gia Singapore

Nguồn: Nguyên Tấn, Thời báo Kinh tế Sài Gòn