Trịnh Chí Cường: Tôi cho phép mình không hoàn hảo!
Để vượt qua cái bóng của cha, Trịnh Chí Cường tự cho mình quyền không hoàn hảo và được đổ lỗi để học hỏi nhiều hơn.
Anh Trịnh Chí Cường, TGĐ Công ty CP Đại Đồng Tiến. |
Trịnh Chí Cường được “đặt” vào vị trí Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Đồng Tiến hoàn toàn bất ngờ, khi người cha của anh, ông Trịnh Đồng, đột ngột lâm bệnh nặng vào năm 2007. Đó cũng là năm Đại Đồng Tiến vừa lên cổ phần và thành lập chi nhánh tại Hà Nội. Hết bệnh trở về, ông Đồng quyết định giao hẳn việc điều hành Công ty cho cậu con trai thứ của mình. Khi đó, Cường mới 26 tuổi, vừa trở về từ Singapore sau 7 năm du học và làm việc ở nước ngoài.
Đột phá
Việc đầu tiên của Cường khi ngồi vào ghế Tổng Giám đốc là lên kế hoạch thành lập Phòng Nghiên cứu và Phát triển cho Công ty. Điều này trước đây, lúc còn hoạt động theo mô hình công ty gia đình, Đại Đồng Tiến chưa từng nghĩ tới. Cuối năm 2007, sản phẩm mang nhãn hiệu Sina, ứng dụng công nghệ Nano Bạc (công nghệ kháng khuẩn) của Công ty ra đời chủ yếu phục vụ cư dân đô thị. Những hộp nhựa Sina có thể kháng khuẩn và ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc trong môi trường, giữ cho thực phẩm tươi lâu hơn. Đây là cột mốc quan trọng, vì từ đó, Đại Đồng Tiến có nhãn hàng mang phong cách hiện đại, chú trọng yếu tố bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Tuy nhiên, không may cho Cường, chiến lược đẩy mạnh làm hàng cao cấp của anh gặp khó khăn ngay từ khi sản phẩm được đưa ra thị trường, bởi cơn bão khủng hoảng kinh tế ập tới vào năm 2008. Người tiêu dùng thờ ơ, nhà phân phối không mặn mà, sản phẩm làm ra phải xếp vào kho. Chưa hết, vào thời điểm khó khăn, công suất của nhà máy có khi phải giảm đến 40%. Tuy nhiên, Cường cho biết, “khó mấy cũng phải làm bởi sự sáng tạo, theo sát công nghệ hiện đại là sự sống còn của Công ty. Chúng tôi không thể bỏ cuộc”.
“Dòng sản phẩm kháng khuẩn Sina ra đời đúng thời điểm cuộc khủng hoảng vệ sinh an toàn thực phẩm được nói đến mỗi ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan quản lý kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... Đó là sản phẩm hợp thời nhưng chưa thành công như mong đợi”, Cường nói. Tuy nhiên, nhờ chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Chính phủ năm 2009, Đại Đồng Tiến đã hồi phục rất nhiều, kéo doanh số từ mức tăng 7% năm 2008 lên 15% năm 2009 (doanh thu năm 2009 đạt 625 tỉ đồng).
Khắc phục khó khăn cho Công ty xong, Cường đưa ra chiến lược “đẩy và kéo”. Anh giải thích, chiến lược này có nghĩa là đẩy ra lượng lớn hàng hóa, kinh phí làm khuyến mãi nhằm kéo lượng khách hàng lớn đến với Công ty. Và Đại Đồng Tiến đã tung chiêu khuyến mãi bán hàng, bốc thăm trúng thưởng với tổng giá trị đến 1,5 tỉ đồng tại các siêu thị, hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao. Nhiều khách hàng trong nước chưa từng biết đến Đại Đồng Tiến đã bắt đầu tìm mua sản phẩm. Lượng khách hàng mới này cộng với khách hàng quen đã giúp doanh số của Đại Đồng Tiến tăng nhanh sau những đợt bán hàng đó. “Thành công của chương trình vượt ngoài sức mong đợi khi doanh số tăng hơn 30% so với dự kiến”, anh nói. Trước đó, chiến lược này bị các cổ đông đánh giá là hơi “liều mạng”.
Mặc dù có khi phải cắt giảm công suất đến 40%, nhưng theo anh Cường, Công ty không chủ trương cắt giảm nhân sự trong thời điểm khủng hoảng. “Ngược lại, thấy tình hình lạm phát tăng cao, chúng tôi điều chỉnh tăng lương để đảm bảo cuộc sống cho công nhân. Quan trọng nhất là giữ chân công nhân để họ tiếp tục đồng hành với chúng tôi đến khi kinh tế phục hồi”, Cường chia sẻ.
Hai quyết định của Tổng Giám đốc Trịnh Chí Cường liên quan đến tài chính của Công ty được đưa ra ngay trong thời điểm kinh tế khó khăn nên thật khó để thuyết phục cả Hội đồng Quản trị. Anh nói: “Không phải cứ thấy khó làm là chùn bước và không dám chi tiền cho marketing. Nhà quản trị giỏi là người biết tiết kiệm và sinh lời cho công ty, nhưng giỏi hơn nữa là biết cách tiêu tiền để mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần về lâu dài”. Cuối cùng, những phân tích mang tính chiến lược của Cường đã thuyết phục được các cổ đông.
Như đã nói ở trên, Đại Đồng Tiến là công ty hoạt động theo mô hình gia đình. Vậy làm một tổng giám đốc công ty gia đình sẽ có những lợi thế nào? Cường nói lợi thế cũng chính là thách thức. Đại Đồng Tiến được những người trong họ tộc góp vốn, thế nên, mới có những chuyện dở khóc dở cười. Khi ông Trịnh Đồng làm Tổng Giám đốc, ông không gặp khó khăn gì trong xưng hô. Tuy nhiên, đến thời Trịnh Chí Cường, anh không thể điều hành một cuộc họp công ty mà bắt đầu bằng việc “thưa các bác, cô, dì, chú...”. Thế nên, sau những quyết định mang tầm chiến lược để phát triển kinh doanh, vị tổng giám đốc trẻ này phải đưa ra quy định xưng hô “tôi” và “các anh chị” tại các cuộc họp của Công ty.
Táo bạo và có logic
Bà Trần Thị Huê, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Đại Đồng Tiến, mẹ của Cường, nhận xét: “Tôi ủng hộ những ý tưởng táo bạo có logic của Cường. Nó làm việc có đầu có đuôi và suy nghĩ độc lập cả khi quản lý lẫn khi đề ra chiến lược kinh doanh. Có thể Cường chưa am hiểu hệ thống sản xuất như cha mình, nhưng Cường có suy nghĩ và lối làm việc hiện đại khiến tôi yên tâm. Đại Đồng Tiến sau 25 năm hoạt động, cần một luồng sinh khí mới để vươn xa hơn. Cường đang làm tốt vai trò đó”.
Nói về những dấu ấn của mình sau 3 năm làm Tổng Giám đốc, Cường cho rằng, Công ty thành công như ngày hôm nay xuất phát từ niềm đam mê kinh doanh của cha và mẹ anh. Họ có nhiều kinh nghiệm quản lý, bao quát mọi việc và biết đến mỗi con ốc vít trong dàn máy vận hành như thế nào. “Tôi thừa hưởng từ cha mẹ không chỉ tài sản mà quan trọng nhất là niềm đam mê kinh doanh. Tôi không thể biết hết từng con ốc vít, song đổi lại, tôi có kiến thức quản trị, được đào tạo bài bản, biết hệ thống và logic công việc theo ý đồ nhằm đưa ra chiến lược đúng hơn. Hai khối kiến thức và kinh nghiệm của truyền thống và hiện đại sẽ bổ khuyết cho nhau để đưa thương hiệu đi xa hơn. Tôi chỉ khẳng định tầm vóc của Công ty mà các bậc đi trước đã xây dựng nên”, anh nói.
Hiện tại, Đại Đồng Tiến đã có văn phòng đại diện tại Campuchia và sắp tới có thể là Úc. Trịnh Chí Cường khoe anh vừa đi Úc tìm hiểu để mở văn phòng. Công ty còn chuẩn bị xây dựng nhà máy rộng hơn 63.000 ha tại Nhơn Trạch, Đồng Nai với tổng đầu tư trên 20 triệu USD để làm hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ, bắt đầu từ năm 2012.
“Tham vọng thương hiệu toàn cầu” là cụm từ mà Cường nhắc đến ít nhất 5 lần trong suốt buổi trò chuyện với chúng tôi. Cường trẻ, rất trẻ so với vị trí anh đang đảm nhận. Năm nay gần 30 tuổi, song, những phân tích và dự báo cẩn trọng trong kinh doanh của anh được trình bày khá thuyết phục bởi anh có nhiều tham vọng, tự tin và có chiều sâu học vấn. Cường kể, khi còn ở Việt Nam, anh suy nghĩ như một cậu ấm. Từ khi ra nước ngoài, bắt đầu học về lĩnh vực kỹ thuật, rồi đi làm, học tiếp đại học ngành quản trị kinh doanh, Cường ngộ ra rằng, với bệ phóng có được từ cha mẹ, anh đang có khá nhiều sự lựa chọn cho tương lai của mình.
Không ỷ lại
Học xong sẽ ở lại nước ngoài làm việc rồi lập nghiệp. Con đường này theo anh không ổn lắm, bởi phải bắt đầu mọi cái bằng con số 0 tại một quốc gia phát triển như Singapore là điều không dễ. Hơn nữa, anh cảm thấy yêu ngành kỹ thuật nhựa nhất, bên cạnh niềm yêu thích công nghệ thông tin và ngoại ngữ. Quyết định về quê tiếp tục sự nghiệp của cha mẹ nên anh đã chọn ngành quản trị kinh doanh tại Đại học Buffalo-New York (chi nhánh Singapore) thêm 3,5 năm nữa. “Đọc nhiều sách về kinh tế học, tìm hiểu lịch sử kinh tế thế giới, mới thấy Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển. Tôi quyết định trở về!”, anh nói.
Ngoài sách nghiên cứu, Cường chịu khó tìm đọc nhiều sách viết về các công ty gia đình nổi tiếng thế giới. Anh nói, hơn 90% công ty thành đạt trên thế giới xuất phát từ công ty gia đình. Anh cho biết rất thích cách quản trị của cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn General Electric, ông Jack Welch. Welch đã thành công khi quyết định sửa đổi chiến lược để giữ và tăng lượng khách hàng của Tập đoàn năm 1999. Về tính sáng tạo, theo Cường, ít ai vượt qua được Tổng Giám đốc của Apple, ông Steve Jobs. Trong khi nhiều giám đốc khác tập trung vào chỉ tiêu doanh số và tài chính thì Jobs lại không ngừng nỗ lực để cho ra đời những thế hệ sản phẩm mang tính đột phá. Trong lúc các công ty khác ứng dụng chiến thuật bán hàng qua mạng, Jobs lại thành lập hệ thống cửa hàng bán lẻ, một chiến thuật được mệnh danh là “dòng chảy ngược”.
Cường tiết lộ, anh mong ước không chỉ là doanh nhân thành đạt mà còn là nhà khoa học, có thể vừa kinh doanh vừa nghiên cứu làm ra những sản phẩm tốt, có giá trị bền vững phục vụ xã hội. Giống như các công ty gia đình khác, áp lực lớn nhất của Cường là làm thế nào để vượt qua cái bóng của người đi trước. Để làm được điều đó, anh tự cho mình quyền không hoàn hảo và cho phép đổ lỗi để học nhiều hơn. “Không hoàn hảo để biết mình còn phải học hỏi nhiều hơn nữa. Đổ lỗi một chút để biết rằng mình cần những người thân xung quanh và họ thật quan trọng trên mỗi bước đường thử thách. Tuy nhiên, tuyệt đối không ỷ lại”, Cường chia sẻ.
Hằng Nga
Nguồn: Nhịp cầu đầu tư
THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 2 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8
Kết quả Vòng 2 của kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...
THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 1 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8
Kết quả Vòng 1 của Kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...
THÔNG BÁO ĐÓNG CỔNG ĐĂNG KÝ DỰ TUYỂN
IPL Scholarship cảm ơn các bạn đã quan tâm và đăng ký dự tuyển IPL Scholarship Khóa 8. Hạn chót gửi Hồ sơ dự tuyển...
IPL INFO SESSION - Học "Lãnh đạo Khai phóng" là học gì?
Buổi Info Session này cũng sẽ làm rõ các “Q&A” về IPL Scholarship Khóa 8 đang tuyển sinh. Tại đây, các doanh nhân trẻ...