Tuyển sinh

Tin tức

TGĐ Công ty Quảng cáo Quốc tế Bates 141 Vietnam: “Tôi tên là Nguyễn Trần Tuệ”

Rời Việt Nam năm 12 tuổi, bất ngờ trở về quê hương sau gần 20 năm thành công trên đất Mỹ và bắt đầu lại tất cả từ một công ty quảng cáo tại Việt Nam. Sau gần bảy năm về nước, Nguyễn Trần Tuệ với kinh nghiệm dày dạn tại các thị trường quảng cáo nước ngoài và một trái tim cháy bỏng hướng về nguồn cội đã nhanh chóng trở thành nhân vật được chú ý trong làng quảng cáo Việt Nam. Với ông, người thắng cuộc không phải là người mạnh nhất, mà là người thích ứng tốt nhất!

* Theo các nghiên cứu và đánh giá trên thị trường, Bates 141 là một trong những công ty quảng cáo quốc tế hàng đầu tại Việt Nam. Và từ 2008 - 2010, Công ty đã thắng thầu nhiều hợp đồng của các khách hàng lớn ở Việt Nam?


- Từ 2008 - 2010 có thể nói là một trong những giai đoạn thành công nhất của chúng tôi.

Chỉ trong hai năm vừa qua, chúng tôi đã liên tiếp giành được hợp đồng quảng cáo cho các khách hàng như Google, tã giấy Bobby (Diana), sữa Milex (Arla Foods), chuỗi cửa hàng Jollibee, VIB Bank, Nissan, VNPT.

Đặc biệt vui hơn nữa là gần đây chúng tôi vừa giành được một dự án lớn và sẽ sớm công bố trong thời gian tới.

Trong các phim quảng cáo đã thực hiện, quảng cáo sản phẩm Mobi365 (hướng đến phân khúc nông thôn) do MobiFone và Bates 141 thực hiện đã giành giải thưởng Gói cước di động hấp dẫn nhất năm 2008 do Bộ Thông tin và Truyền thông bình chọn.

Đối với giới chuyên môn trên thị trường quốc tế, Bates 141 Vietnam cũng được đánh giá rất cao qua việc giành được các giải thưởng uy tín của khu vực, như: Bronze Dragon - 2009 Promotional Marketing Awards of Asia, Order of Merit - 2009 The Globes - Marketing Worldwide Awards, Gold Dragon - 2010 Promotional Marketing Awards of Asia...

* Nhưng với một người đã sống nhiều năm ở nước ngoài như ông, đạt được những thành công này chắc không dễ dàng gì?

- Phải nói là rất khó khăn. Khi mới trở về, tôi cảm thấy bỡ ngỡ, lạ lẫm với cách sống, cách nghĩ và cách làm việc ở đây.

Ở Mỹ tôi đã quen với việc con người và công việc đều nghiêm túc và rõ ràng.

Nhưng tôi thấy khó áp dụng kỷ luật ấy ở Việt Nam vì văn hóa ở đây khác rất nhiều, nên bên cạnh tính nguyên tắc cũng cần phải tình cảm một chút và linh hoạt thay đổi trong ứng xử cho phù hợp.

Tôi may mắn có kinh nghiệm phải luôn thích nghi với môi trường mới, bởi đã sinh sống, học tập và làm việc gần 20 năm ở nhiều nơi trên đất Mỹ, nên cũng nhanh chóng hòa nhập với công việc và cuộc sống tại Việt Nam.

Nhưng thách thức lớn nhất đối với tôi là việc quản lý con người. Tôi vẫn luôn tâm đắc với những nhận xét của các bậc tiền bối: “Người giỏi nhất là người tìm được những người giỏi hơn mình để làm cho mình”.

Họ giỏi vì họ nhìn thấy và khuyến khích được tài năng, phối hợp những tài năng này lại với nhau để làm ra những điều mà người khác không thể làm được.

Trong công tác quản lý, nếu đã ổn định được nhân sự, hoàn thiện cơ cấu làm việc chuyên nghiệp thì bộ máy sẽ hoạt động trơn tru và khách hàng yên tâm tìm đến.

* Điều gì đã khiến một người từng sống và thành danh ở Mỹ như ông chấp nhận bỏ lại tất cả để về nước và theo đuổi một công việc đầy thử thách cho đến hôm nay?

- Đơn giản là tôi đam mê công việc này. Niềm đam mê sẽ dẫn đường cho mình đi rất xa. Nếu làm việc gì mà thiếu đam mê thì rất khó. Thử tưởng tượng đi, mỗi ngày mình cứ làm đi làm lại một công việc thì rất nhàm chán và dễ bỏ cuộc.

May mắn của tôi là được làm việc trong môi trường sáng tạo, năng động nên mỗi ngày gặp không ít điều thú vị khiến tôi không hề thấy nhàm chán.

Hàng ngày, tôi tiếp xúc với nhiều khách hàng khác nhau, mà mỗi khách hàng lại có một chiến lược riêng, ý tưởng riêng và đưa ra những thách thức rất đa dạng, mang lại cho tôi nhiều cảm hứng mới.

* Như ông nói, ngành này đòi hỏi sự sáng tạo và thay đổi thường xuyên, như vậy liệu có là áp lực cho ông?

- Dĩ nhiên rồi. Nếu nói về áp lực thì ngành nào cũng có, nhưng quảng cáo là ngành vô cùng áp lực. Vì là ngành thuộc lĩnh vực dịch vụ, nên lúc nào chúng tôi cũng phải tìm kiếm câu trả lời cho nhiều vấn đề hóc búa của khách hàng. Áp lực tìm ra câu trả lời không chỉ đơn thuần là một ý tưởng đơn lẻ, mà là cả một kế hoạch lâu dài, một giải pháp toàn diện.

Và để tạo nên sự độc đáo vượt trội cho sản phẩm của khách hàng trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, chúng tôi phải luôn tự thúc đẩy mình cố gắng tìm ra những ý tưởng và giải pháp mới mẻ.

Chính vì vậy, những vị trí quan trọng nhất trong các công ty thuộc lĩnh vực này trước tiên phải kể đến giám đốc sáng tạo vào giám đốc chiến lược. Họ phải là người am hiểu văn hóa của người Việt Nam thì mới làm được.

* Thế nên ở Bates 141, người Việt Nam nắm giữ hai vị trí quan trọng này?

- Ở thời điểm này là hai người nước ngoài. Với yêu cầu cụ thể của công ty chúng tôi, hiện tại tôi chưa thể tìm được ứng viên người Việt phù hợp. Các nhân viên người nước ngoài giữ vị trí này vẫn có ưu thế về kinh nghiệm, khả năng sáng tạo và thuyết phục khách hàng.

Mặc dù không phải là người bản địa, nhưng họ cũng rất hiểu văn hóa, con người Việt Nam sau nhiều năm sinh sống và làm việc tại đây. Họ thường xuyên đi thực tế, sống và cảm nhận như những người Việt thực thụ.

Tuy nhiên, trong tương lai, tôi vẫn mong sẽ tuyển được những tài năng Việt vào những vị trí quan trọng này.

* Đây là điểm yếu của nguồn nhân lực ngành quảng cáo Việt Nam hiện nay phải không, thưa ông?

- Hiện nay có đến 95% nhân lực ngành quảng cáo là người Việt và rất nhiều người Việt có khả năng sáng tạo mạnh mẽ. Tuy nhiên, phần lớn lãnh đạo của các công ty quảng cáo lớn vẫn là người nước ngoài.

Thực sự, người Việt mình rất giỏi, nhưng mãi tới thời gian gần đây, chúng ta mới bắt đầu có những môi trường làm việc bài bản để phát triển nghiệp vụ quảng cáo và chiến lược truyền thông.

Vì thế, trong thời điểm hiện tại, các công ty quảng cáo lớn vẫn sử dụng nhân viên quản lý là người nước ngoài vì họ có kinh nghiệm chuyên môn và bản lĩnh làm việc lâu năm.

Nhưng tôi nghĩ, với tốc độ và năng lực hội nhập, phát triển của thế hệ trẻ Việt Nam, trong tương lai gần, hiện trạng này sẽ thay đổi và sẽ có nhiều vị trí điều hành ở các công ty quảng cáo lớn dành cho người Việt Nam.

* Trong điều kiện ngành quảng cáo nhiều áp lực, nhiều cạnh tranh như thế, ông giữ người tài bằng cách nào?

- Trong công việc và trong cuộc sống tôi vẫn tâm niệm, mình phải đối xử với mọi người, với nhân viên của mình theo cách mình muốn được họ đối xử với mình.

Người lãnh đạo phải hiểu được nhân viên, lắng nghe nhân viên để tạo điều kiện cho họ bộc lộ và phát triển năng lực. Tôi cũng luôn khuyến khích mọi người phải trao đổi thường xuyên với nhau để hiểu nhau và cùng làm việc tốt hơn.

Con người là yếu tố quan trọng trong lĩnh vực quảng cáo. Không có con người thì không có ý tưởng, mà không có ý tưởng thì không có kinh doanh. Đầu tư vào con người là sự đầu tư lâu dài.

Những người được tin tưởng và giúp đỡ sẽ biết trân trọng tình cảm đó và đền đáp lại công ty một cách tương xứng. Cũng như trong cuộc sống, mình cho đi những gì thì sẽ nhận lại những điều y như vậy.

Trong kinh doanh, tôi không mong sẽ nhận lại tất cả những điều tốt đẹp mình đã làm cho mọi người, mà chỉ cần một phần nhỏ thôi cũng xem như tôi đã thành công rồi.

* Được biết, Bates 141 là công ty con của Tập đoàn quảng cáo nổi tiếng thế giới WPP. Và tại Việt Nam, WPP lại có đến năm công ty quảng cáo, như vậy các công ty con của WPP buộc phải cạnh tranh với nhau?

- Điều này là không tránh khỏi. Năm công ty của Tập đoàn WPP gồm: O&M, Bates 141, JWT, Grey và Y&R. Tuy cùng hoạt động trong một lĩnh vực, nhưng mỗi công ty có một thế mạnh riêng, vì vậy, tùy theo nhu cầu của mình mà khách hàng có thể chọn công ty phù hợp. Và dĩ nhiên, năm công ty cũng cạnh tranh lành mạnh với nhau.

Mới nhìn tưởng ngành này yên ả, nhưng sự thực thì cạnh tranh rất quyết liệt. Sự phát triển ồ ạt về quy mô cũng như số lượng các công ty quảng cáo buộc chúng tôi phải liên tục hoàn thiện mình, tìm kiếm ý tưởng, nỗ lực sáng tạo để có khách hàng.

Trong điều kiện cạnh tranh như vậy, giữ vững vị trí ở top dẫn đầu Việt Nam không phải là điều dễ dàng. Nền tảng kinh doanh của chúng tôi dựa trên nguyên lý “sự thay đổi”. Chúng tôi quyết tâm thay đổi khẩu vị, thói quen của người tiêu dùng cũng như việc sử dụng các kênh truyền thông, phương thức cạnh tranh...

Chúng tôi không chỉ sáng tạo ra một ý tưởng ngắn hạn, mà còn muốn tạo ra một sự trải nghiệm hoàn thiện với sản phẩm để khách hàng cảm thấy yêu thích và quyết định lựa chọn sản phẩm trong vô số các lựa chọn khác.

Kinh doanh ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng là kinh doanh ở khu vực có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất, dân số tăng mạnh nhất, ứng dụng công nghệ tích cực nhất và con người lạc quan nhất. Những chuyển biến này là vô cùng to lớn và tôi tin rằng, Bates 141 Vietnam sẽ phát triển mạnh mẽ và luôn ở tư thế sẵn sàng hơn bất cứ đối thủ cạnh tranh nào khi đương đầu với những thách thức mới.

* Ra đi để trở về. Đó là suy nghĩ, là trăn trở của những người con sống xa quê hương. Còn với ông?

- Về quê hương, đóng góp sức mình cho quê hương là điều đương nhiên, nhưng đến bây giờ tôi vẫn không nghĩ là mình lại về sớm như thế. Và đó là một quyết định khá bất ngờ. Năm 2001, lần đầu tiên tôi trở về quê hương sau hơn 20 năm sinh sống ở Mỹ.

Trong thời gian này, một công ty quảng cáo tại Việt Nam mời tôi về làm việc, nhưng lúc đó tôi cũng chưa nghĩ sẽ về Việt Nam sinh sống. Cho đến ngày 11/9/2001, ngày xảy ra sự kiện kinh động không chỉ ở nước Mỹ mà trên toàn thế giới: bốn chiếc máy bay, hai chiếc đâm vào tòa tháp đôi, hai chiếc bay qua Los Angeles, mà tôi thì đang làm việc trong tòa tháp đó.

Tất cả những người thân quen của tôi đều rất hoang mang. Dù không có chuyện gì xảy ra với tôi, nhưng tôi cũng cảm thấy cuộc sống ở đây bất trắc khó lường và muốn nhanh chóng thực hiện hoài bão của mình. Những ngày sau đó tôi bắt đầu suy nghĩ về lời đề nghị cũ và hỏi ý kiến mọi người. Gia đình, bạn bè đều khuyên tôi nên nắm bắt cơ hội này.

* Vậy là chính sự kiện ngày 11/9 đã khiến ông quyết định về Việt Nam?

- Đây là một trong những nguyên nhân, nhưng không phải là nguyên nhân chính. Trong thời gian sống và làm việc ở Mỹ tôi đã đọc rất nhiều bài báo của châu Á nói về Việt Nam. Nhiều chuyên gia tài chính tôi quen cho rằng, trong 5 năm nữa, châu Á, đặc biệt là Việt Nam, sẽ rất phát triển. Và sự kiện ngày 11/9 chỉ là yếu tố thúc đẩy tôi sớm trở về.

Tôi chưa biết mình có thể sống ở Việt Nam lâu dài hay không, vì cuộc sống luôn có nhiều thay đổi mà mình không thể biết trước. Nhưng dù sống ở đâu, tôi vẫn là người Việt Nam. Bố mẹ thường dạy chúng tôi: “Làm gì thì làm, đi đâu thì đi, nhưng phải giữ gìn cái gốc của mình và đừng quên mình từ đâu đến”.

Tôi luôn biết mình là ai và tôi tự hào về điều đó. Bao nhiêu năm sống ở Mỹ nhưng tên tôi vẫn là Nguyễn Trần Tuệ, chứ không phải là John, Steve hay bất cứ một cái tên Mỹ nào khác. Nhiều khách hàng, đối tác vẫn hay thắc mắc về nguồn gốc của tôi và bao giờ họ cũng nhận được câu trả lời: “Tôi là người Việt Nam”.

* Vì quan niệm như vậy nên ông dễ dàng hòa nhập với cuộc sống mới ở quê hương?

- Như đã nói, lúc đầu tôi cũng thấy lạ lẫm, bỡ ngỡ trước những khác biệt giữa Mỹ và Việt Nam, nhưng vốn là người thích nghi nhanh nên việc hòa nhập không quá khó đối với tôi. Ngay khi mới về, tôi nói tiếng Việt không lưu loát lắm, nhưng cái gì mình yêu thích thì dù khó mấy mình cũng làm được.

Tôi muốn làm nhiều điều cho quê nhà để khi đi đến đâu tôi cũng có thể tự hào về nơi mình được sinh ra. Việt Nam hiện vẫn còn rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn và làm sao để giúp được họ là điều tôi mong muốn.

Trong thời gian làm việc ở Mỹ, công việc có ý nghĩa nhất đối với tôi là quản lý Quỹ Ronald McDonald House. Đây là quỹ từ thiện chuyên giúp đỡ những trẻ em không có điều kiện đến trường. Ở Việt Nam, tôi cũng ước mong làm được những việc thiện nguyện như vậy.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!

Hồng Nga thực hiện - Ảnh: Thu An
Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn

THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 2 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8

Kết quả Vòng 2 của kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...

THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 1 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8

Kết quả Vòng 1 của Kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...

THÔNG BÁO ĐÓNG CỔNG ĐĂNG KÝ DỰ TUYỂN

IPL Scholarship cảm ơn các bạn đã quan tâm và đăng ký dự tuyển IPL Scholarship Khóa 8. Hạn chót gửi Hồ sơ dự tuyển...

IPL INFO SESSION - Học "Lãnh đạo Khai phóng" là học gì?

Buổi Info Session này cũng sẽ làm rõ các “Q&A” về IPL Scholarship Khóa 8 đang tuyển sinh. Tại đây, các doanh nhân trẻ...