Tuyển sinh

Tin tức

Kinh doanh tử tế - khó đến vậy sao?

Kinh doanh là gì mà lại khiến cho con người ta khó sống tử tế với nhau đến vậy?

Trong kinh doanh, có lẽ bạn đã từng nhiều lần trải qua những kinh nghiệm có thể dạy cho bạn những bài học lớn về sự khác biệt giữa thành công và thất bại.

Mới vài tuần trước, tôi cũng có một trải nghiệm như thế. Và tôi nghĩ mình nên kể ra câu chuyện này. Lý do không chỉ bởi vì nó hay, mà còn phản ánh một cách chân thực sự vận động của thế giới. Cũng bởi nó minh họa rõ ràng một hiện tượng rằng những người hay nghiền ngẫm về kinh doanh lại thường khiến cho kinh doanh trở nên phức tạp hơn thực tế vốn có của nó.

Tôi xin được phép bắt đầu...

Hai tuần trước là kỷ niệm lần thứ 75 ngày sinh của bố tôi. Tôi muốn tặng cho ông một món quà đặc biệt để đánh dấu sự kiện lớn này, và tôi nảy ra một ý tưởng.

Một nam giới người Mỹ đầy sôi nổi sẽ làm gì để khiến bố mình vui lòng nhỉ? Dĩ nhiên là anh ta sẽ mua cho bố một chiếc Cadillac rồi! Với ý nghĩ đó, tôi nhấc máy gọi điện cho bố (chiếc xe Cadillac đời 2001 của ông đã có vẻ rệu rã lắm rồi!); tôi nói: Bố cứ tới phòng trưng bày, chọn kiểu dáng và thương lượng giá cả (đây cũng là một việc làm thú vị đấy chứ?), còn con sẽ lo phần thanh toán..

Khỏi phải nói, ông rất hào hứng với ý tưởng này. Và ông lái chiếc Cadillac đời cũ tới đại lý bán ôtô, chạy thử một vài mẫu xe rồi chọn ra những mẫu ưng ý nhất để trả giá. Ông còn lưu ý nhắc đại lý rằng trước đây ông có nhận được một phiếu giảm giá mua xe 1.000USD cho khách hàng trung thành.

Hôm đó là một buổi chiều ngày thứ Sáu. Người bán xe bảo ông rằng thời hạn giảm giá đã kết thúc vào thứ Năm, tức là chưa đầy 24 tiếng trước khi bố tôi đặt chân đến cửa hàng.

Ông nói: "Nhưng các anh sẽ vẫn chiếu cố cho tôi chứ? Tôi là một khách hàng trung thành của Cadillac mà". Nhưng người bán xe lạnh lùng trả lời: Xin lỗi ông, quy định là quy định.

Thái độ đó đã chấm dứt cuộc đối thoại. Bố tôi quay trở ra với tâm trạng hơi phân vân và hết sức thất vọng; ông quyết định sẽ tìm cửa hàng khác - không phải đại lý khác của Cadillac mà của hãng khác.

Thứ Sáu tuần sau đó, ông tạt qua một cửa hàng đại lý của hãng Buick và có thiện cảm ngay với chiếc Buick Lacrosse (tình cờ đây lại là một dòng xe được đông đảo khách hàng ưa dùng hiện nay).

Ông gặp người bán hàng ở đó và kể cho anh ta nghe về tờ phiếu ưu đãi cho khách hàng trung thành đã hết hạn. Người bán hàng kiểm tra máy tính rồi xác nhận rằng đúng là phiếu ưu đãi đó đã quá thời hạn.

"Nhưng không sao, chúng tôi vẫn chấp nhận. Chúng tôi sẽ giảm 1.000USD cho bất kỳ chiếc xe nào bác mua", anh ta nói.

Ấn tượng với phản ứng đó, bố tôi quyết định đi thử chiếc Lacrosse. Chiếc xe đã không làm ông thất vọng, nhưng ông cho người bán hàng hay rằng ông tiếc vì đã không ghé vào đây sớm hơn để có thể lái thử nó lâu hơn chút nữa.

Anh này lập tức đáp lại: "Thế thì bác cứ mang xe về đi thử vào dịp cuối tuần này. Thứ Hai tới bác mang xe lại đây rồi chúng ta nói chuyện tiếp".

Đó là một kế hoạch tuyệt vời. Tuy nhiên, trong dịp cuối tuần đó bố tôi lại phải nhập viện vì lý do sức khỏe và phải thực hiện một ca phẫu thuật (giờ thì ông khỏe rồi, ơn trời!). Nằm trên giường bệnh, ông miên man suy nghĩ và rồi chợt nhớ ra rằng chiếc Buick Lacrosse vẫn còn trong garage ở nhà!

Thế là từ bệnh viện, ông gọi điện cho đại lý bán xe, hỏi xem làm thế nào để mang lại chiếc xe đó cho họ. Người bán hàng nói: "Bác đừng lo lắng về cái xe nữa, bác cứ yên tâm mà dưỡng bệnh đi".

Và sáng ngày hôm sau, đại lý bán xe Buick ân cần gửi tới bệnh viện cho bố tôi một bó hoa rất đẹp cùng một tấm thiếp chúc ông sớm bình phục!

Đây là câu hỏi đầu tiên của tôi: Theo bạn, bố tôi đã mua chiếc xe nào? Nếu câu trả lời của bạn là chiếc Buick Lacrosse, thì bạn đúng rồi đấy.

Còn đây là câu hỏi thứ hai: Kể từ lần mua đó, theo bạn, chủ đề ưa thích mà bố tôi hay đề cập tới trong các cuộc trò chuyện giữa ông với bạn bè, đồng nghiệp, và tôi là gì? Nếu bạn trả lời rằng đó là cách đối xử tuyệt vời của đại lý xe Buick dành cho ông, thì bạn lại đúng tiếp rồi.

Tôi xin hỏi câu cuối cùng: Tại sao có quá ít doanh nhân có cách cư xử như người đại lý bán xe Buick kia, và có quá nhiều người giống tay bán xe hãng Cadillac vậy?

Với tôi, đây là vấn đề khá khó hiểu, song kết quả của những hành động đó thì lại dễ hiểu vô cùng. Ngày nay thành công trong kinh doanh không chỉ dừng lại ở giá cả, chất lượng, độ tin cậy - tức là những giá trị thuần túy mang tính kinh tế.

Thành công còn phụ thuộc vào lòng say mê, cảm xúc, sự độc đáo - hãy chia sẻ những giá trị của bạn.

Không ai phản đối việc thực hiện một giao dịch có lời cả. Nhưng cái khiến chúng ta ghi nhớ và đánh giá cao lại là những cử chỉ nhỏ nhặt thể hiện mối liên lạc và lòng cảm thông, bởi nó đem lại một chút "người" vào cái thế giới kim tiền mà hàng ngày hàng giờ chúng ta phải lăn lộn trong đó.

Xin lưu ý một điểm: tỉ suất sinh lợi trên đầu tư của bó hoa và tờ bưu thiếp kia là không hề nhỏ đâu.

Mùa xuân năm ngoái, nhà sáng lập Amazon, Jeff Bezos, đọc diễn văn phát biểu trong lễ tốt nghiệp niên khóa 2010 của Trường Đại học Princeton. Trong buổi nói chuyện này, ông kể lại một câu chuyện nhỏ của mình: năm lên 10 tuổi, cậu bé Jeff Bezos muốn thể hiện cho ông bà mình rằng mình thông minh lanh lợi như thế nào; song cách làm của cậu lại khiến bà cậu rất buồn lòng.

Khi đó, ông cậu kéo cậu ra một chỗ để nói chuyện. Vị CEO nắm trong tay hàng tỉ đô la ngày nay trầm ngâm nghĩ lại: "Ông nhìn thẳng vào mắt tôi, và sau một hồi im lặng, ông nhẹ nhàng nói: 'Jeff này, rồi sẽ tới một ngày cháu hiểu ra rằng làm người tử tế còn khó khăn hơn nhiều so với làm người thông minh".

Câu chuyện này dường như là một biến thể khá hay của câu chuyện về chiếc xe mới của bố tôi. Kinh doanh là gì mà lại khiến cho con người ta khó sống tử tế với nhau đến vậy?

Còn chúng ta đã và đang trở thành những doanh nhân gì khi mà những hành động tử tế nhỏ nhặt cũng trở nên hiếm hoi như thế?

Tác giả William C. Taylor là đồng sáng lập Tạp chí Fast Company và là tác giả cuốn sách: Practically Radical: Not-So-Crazy Ways to Transform Your Company, Shake Up Your Industry, and Challenge Yourself (Tạm dịch: Tiến bộ triệt để: các cách thông thường để thay đổi một công ty, làm khuấy động thị trường, và thách thức bản thân).

Thủy Nguyệt dịch - Theo blogs.hbr.org
Nguồn: Diễn đàn VNR500

THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 2 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8

Kết quả Vòng 2 của kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...

THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 1 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8

Kết quả Vòng 1 của Kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...

THÔNG BÁO ĐÓNG CỔNG ĐĂNG KÝ DỰ TUYỂN

IPL Scholarship cảm ơn các bạn đã quan tâm và đăng ký dự tuyển IPL Scholarship Khóa 8. Hạn chót gửi Hồ sơ dự tuyển...

IPL INFO SESSION - Học "Lãnh đạo Khai phóng" là học gì?

Buổi Info Session này cũng sẽ làm rõ các “Q&A” về IPL Scholarship Khóa 8 đang tuyển sinh. Tại đây, các doanh nhân trẻ...