Những con đường trực chỉ thất bại
Người lãnh đạo vĩ đại nhất là người biết múc nước rửa chân cho những người khác.
Một trong những ý tưởng ngờ nghệch nhất tôi từng nghe được trong mùa bầu cử chính trị ngớ ngẩn này là đề xuất mới mang tính thăm dò về danh sách ứng cử viên tổng thống Mỹ độc lập trong năm 2012.
Danh sách này bao gồm Thị trưởng Thành phố New York (kiêm tỷ phú gia) Michael Bloomberg, và Joe Scarborough, chủ nhân một chương trình tọa đàm trên truyền hình. Ông này từng có ba nhiệm kỳ làm thành viên Quốc hội của bang Florida, sau đó ông từ chức để dành thời gian nhiều hơn cho gia đình đồng thời chuyển sang xây dựng một sự nghiệp mới với chương trình tọa đàm "Morning Joe".
Tại sao tôi lại nói rằng đây là một ý tưởng ngờ nghệch? Sau tất cả, bộ đôi Bloomberg-Scarborough sở hữu không ít tiền bạc, quyền lực, và danh tiếng - vốn đều là những nguồn lực có sức hấp dẫn đặc biệt đối với giới truyền thông và giới kinh doanh của chúng ta.
Nhưng điều làm tôi suy nghĩ về thế giới chúng ta đang sống ngày nay - xét cả về kinh doanh và chính trị - là người ta đã luôn đề cao quá mức vai trò của ba nguồn lực nổi tiếng này; họ coi chúng là các công cụ để tạo ra thay đổi và tạo ảnh hưởng.
Con đường chắc chắn nhất dẫn tới thất bại là phó thác sự thành công của mình vào tiền, quyền, và danh vọng.
Một trường hợp điển hình mới đây là chiến dịch tranh chức thị trưởng bang California thảm hại của Meg Whitman, cựu CEO của eBay. Bà này đã bỏ ra hơn 140 triệu USD tiền túi để thu về gần 3 triệu lá phiếu - tương đương với gần 50USD/phiếu.
Tuy có trong tay số tiền mà tất cả các ứng cử viên đều mơ ước, song bà lại không thể huy động được đủ số phiếu, dù là để đuổi sát đối thủ hơn. (Tôi rất thích câu nói của một vị cố vấn chính trị quan tâm tới chi phí tranh cử khi ông này được CNN phỏng vấn: "Này, lẽ ra tôi đã để mất cuộc bầu cử đó vì 80 triệu USD đấy!").
Bản thân Bloomberg cũng đã là một câu chuyện cảnh giác rồi. Vị Thị trưởng này đắc cử nhiệm kỳ thứ ba năm 2009 sau khi đã bỏ ra 108 triệu USD tiền riêng - tức ông phải chi tới 185USD/phiếu! Nhưng ông chỉ dành chiến thắng với 50,7% phiếu bầu trước một đối thủ kém ông cả về nguồn tài chính và khả năng lãnh đạo.
Khó có thể cho rằng đây là một chiến thắng vẻ vang của tiền bạc và quyền lực, và chắc chắn nó cũng không thể làm nền tảng cho một chiến dịch tranh cử tổng thống được.
Giờ xin các bạn hãy nghĩ đến những thất bại nổi đình nổi đám trên thương trường. Robert Nardelli, nổi tiếng trong vai trò là một trong những "tác nhân thay đổi" hàng đầu của Jack Welch tại General Electric, đã khua kèn múa trống khá ồn ào khi chuyển sang The Home Depot.
Tại đây, ông sử dụng quyền lực của mình để làm nhiều chuyện "ấn tượng" và trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông gây ra nhiều tranh cãi hơn là mang lại lợi nhuận cho cổ đông. Bị hội đồng quản trị "hất cẳng", ông chuyển sang làm CEO cho Chrysler trong giai đoạn công ty này đang trong giai đoạn phá sản và nằm dưới quyền sở hữu của Cerberus, một quỹ đầu tư lớn.
Tiền bạc, quyền lực và danh tiếng của Nardelli trên thương trường đã không mang lại nhiều giá trị cho những cố gắng của ông trong việc làm thay đổi hai thương hiệu lớn và quan trọng đó. Thật ra, trang CNBC.com còn "phong" ông là một trong những "CEO tồi tệ nhất nước Mỹ qua mọi thời đại".
Vậy nếu tiền, quyền, và danh vọng không có sức mạnh như người ta vẫn ca ngợi, thì đâu là những nguồn lực cho phép nhà lãnh đạo tạo ra được những thay đổi thực sự và có tác động lâu bền?
Tôi xin mạn phép "đề cử" ba yếu tố: mục đích, niềm đam mê, và tính khiêm nhường. Những người lãnh đạo hiệu quả nhất mà tôi từng gặp cho đến giờ, dù là người của công chúng hay hoạt động kinh doanh, đều có trong mình một ý thức thực sự về sứ mệnh của mình giữa các đồng nghiệp - họ đại diện cho điều gì đó còn lớn lao hơn chính bản thân mình.
Arkadi Kuhlmann, nhà sáng lập kiêm chủ tịch hội đồng quản trị của công ty ING Direct (và cũng là một trong những vị CEO thần tượng của tôi), mới đây có nói như sau: "Lãnh đạo là cung cấp dịch vụ, và không ai có thể dẫn đường nếu không biết cách theo sau người khác. Như vậy, bạn phải tạo ra một sứ mệnh. Mọi việc không liên quan gì đến cá nhân bạn cả, mà liên quan đến sứ mệnh của bạn. Và mọi người sẽ tự nguyện đi theo bạn nếu bạn đã sẵn sàng thực hiện sứ mệnh đó - một sứ mệnh mà mục tiêu của nó vượt quá tầm với của tất cả chúng ta. Đó chính là ý nghĩa của nghệ thuật lãnh đạo."
Lãnh đạo còn có nghĩa là khiêm nhường - hay một từ mà tôi hay sử dụng hơn là "khiêm vọng". Khiêm vọng là gì? Theo tôi được biết, đây là cụm từ do một "tác nhân thay đổi" sắc sảo (bà tự nhận mình là một người theo "chủ nghĩa khả năng") có tên Jane Harper nghĩ ra. Bà đã có 30 năm làm việc cho IBM; bà đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình để thay đổi công ty từng một thời lừng danh này, đưa họ tiếp cận với sự đổi mới, hợp tác, và lãnh đạo.
Theo giải thích của Harper, khiêm vọng là sự kết hợp giữa tính khiêm nhường và tham vọng - đây là hai động lực của phần lớn các doanh nhân thành công vào bậc nhất trên thương trường, và cũng là liều thuốc hóa giải thói kiêu ngạo đã và đang lây lan (cũng như tàn phá) trong cộng đồng các nhà quản lý và doanh nhân.
Theo bà, các lãnh đạo kinh doanh thông minh nhất sẽ đủ thông minh để thừa nhận rằng họ không thể một tay ôm trọn vòng nguyệt quế. Những thành tích họ đạt được là kết quả của sự kết hợp giữa may mắn, đồng nghiệp tốt, và đôi khi là những ý tưởng sáng suốt ngẫu nhiên xuất hiện.
Trong một tuyên bố kêu gọi tập thể IBM hình thành một tư duy mới về lãnh đạo, Harper và một nhóm đồng nghiệp đã nêu lên những yêu cầu cần thực hiện để đảm bảo thành công cho công ty trong một thế giới phức tạp, vận động nhanh, và khó xác định như thế giới ngày nay.
Thiết nghĩ nên coi lời khuyên của họ dành cho những nhà lãnh đạo đầy tham vọng của IBM là những "lời vàng ý ngọc" cho các vị lãnh đạo ở tất cả các cấp trong mọi loại hình tổ chức:
"Khiêm vọng vừa là khiêm tốn lại vừa là tham vọng. Chúng tôi nhận thấy rằng, cho tới bây giờ, những người có khả năng thay đổi thế giới phần nhiều đều là những con người khiêm nhường. Họ tập trung vào công việc mà không quá chú trọng tới bản thân. Họ tìm kiếm thành công - họ rất tham vọng - song khi thành công đến, họ lại hết sức khiêm nhường. Họ biết rằng đóng góp cho thành công đó phần nhiều là sự may mắn, thời điểm chính xác, cùng hàng nghìn nhân tố khác nằm ngoài khả năng kiểm soát của cá nhân họ. Họ cảm thấy mình may mắn chứ không cho rằng mình là một vị Chúa toàn năng. Cái kỳ quặc là ở chỗ, những người ôm ấp cái ảo tưởng đó lại thường chưa biết cách sử dụng hết tiềm năng của mình... [Vì thế] hãy biết tham vọng. Hãy là một nhà lãnh đạo. Nhưng chớ coi thường người khác trong quá trình bạn theo đuổi những tham vọng của mình. Thay vào đó, hãy nâng đỡ họ lên. Người lãnh đạo vĩ đại nhất là người biết múc nước rửa chân cho những người khác".
Đó là những lời nói thông thái dành cho một kỷ nguyên vốn rất khan hiếm sự thông thái như hiện nay. Nếu bạn muốn lãnh đạo, đừng lo lắng nếu bạn thiếu tiền, quyền, hay danh tiếng. Hãy đảm bảo rằng bạn có đủ mục đích, niềm đam mê, và tính khiêm nhường.
Tác giả William C. Taylor là đồng sáng lập Tạp chí Fast Company và là tác giả cuốn sách: Practically Radical: Not-So-Crazy Ways to Transform Your Company, Shake Up Your Industry, and Challenge Yourself (Tạm dịch: Tiến bộ triệt để: các cách thông thường để thay đổi một công ty, làm khuấy động thị trường, và thách thức bản thân).
Thủy Nguyệt dịch - Theo: blogs.hbr.org
Nguồn: Diễn đàn VNR500
THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 2 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8
Kết quả Vòng 2 của kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...
THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 1 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8
Kết quả Vòng 1 của Kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...
THÔNG BÁO ĐÓNG CỔNG ĐĂNG KÝ DỰ TUYỂN
IPL Scholarship cảm ơn các bạn đã quan tâm và đăng ký dự tuyển IPL Scholarship Khóa 8. Hạn chót gửi Hồ sơ dự tuyển...
IPL INFO SESSION - Học "Lãnh đạo Khai phóng" là học gì?
Buổi Info Session này cũng sẽ làm rõ các “Q&A” về IPL Scholarship Khóa 8 đang tuyển sinh. Tại đây, các doanh nhân trẻ...