Tuyển sinh

Tin tức

Thương hiệu phải phù hợp với văn hóa Việt

Căn phòng nhỏ bé của Giám đốc Lê Vĩnh Sơn nằm ngay trong khu nhà xưởng lúc nào cũng rộn rã tiếng máy rập, máy mài. 34 tuổi, trở thành Tổng giám đốc Công ty TNHH Kim khí Sơn Hà, có doanh thu mỗi năm lên đến vài trăm tỷ đồng, kể cũng hiếm người làm được. Trong căn phòng ồn ào dường như không có một chút riêng tư hay bí mật nào ấy, Lê Vĩnh Sơn bắt đầu câu chuyện về quá trình anh đã tạo dựng lên một thương hiệu Sơn Hà nổi tiếng của ngày hôm nay. Câu chuyện về thương hiệu Sơn Hà anh kể, thật giống như câu chuyện về cuộc đời của một con người, cũng nhiều thử thách, cũng có lúc thăng trầm, nhưng cuối cùng, dường như đã đem lại một “kết thúc có hậu”.


Mê kinh doanh từ thuở sinh viên



Giám đốc Lê Vĩnh Sơn

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm nghề gò hàn ở phố Hàng Thiếc, ngay từ nhỏ sống giữa những tiếng búa suốt ngày văng vẳng bên tải hẳn cái nghề truyền thống đó của gia đình cũng đã ám vào Sơn. Ngay từ ngày đó. Sơn đã có thể ngồi hàng giờ xem ông nội mình gò chậu, mâm, thùng tôn… Có lẽ chính ông cũng không hình dung ra một ngày nào đó đứa cháu bé xíu của mình sẽ theo nghề gia đình và hơn thế nữa còn nâng tầm cho cái nghề tưởng như chỉ là thủ công đó thành một thương hiệu nổi tiếng.


Học cấp ba xong với học lực khá toàn diện Sơn thi đỗ vào Đại học kinh tế quốc dân. Cũng chính trong thời gian này Sơn vừa học vừa kinh doanh, tất nhiên chỉ kinh doanh nhỏ và bằng chính nghề gia truyền là kim khí, những sản phẩm từ thủa sơ khai đó là những bể nước treo bằng tôn cho các hộ gia đình liền kề. Thời đó sản phẩm Sơn làm ra vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún, chưa trở thành sản phẩm tiêu dùng phổ biến cho người dân vì nền kinh tế chưa được mở cửa, đời sống chung của người dân còn gặp khó khăn. Phải đến khi nền kinh tế mở cửa, đời sống vật chất cũng được nâng lên, người dân có những nhu cầu cao hơn về các tiện nghi sinh hoạt thì sản phẩm của Sơn mới được nhiều người tìm mua. Nhận thấy cơ hội kinh doanh đã được mở, Lê Vĩnh Sơn đã nhân rộng mô hình kinh doanh của mình từ một cửa hàng lên thành 6 cửa hàng.


Bất kỳ một doanh nhân thành đạt nào cũng có một triết lý kinh doanh riêng giúp họ đạt đến đỉnh vinh quang của họ. Có những triết lý sẵn có trong sách vở, nhưng có triết lý hình thành từ chính những thất bại, trải nghiệm trong kinh doanh của doanh nhân. Có lẽ vì thế mà các doanh nhân thành đạt khi nói về triết lý trong kinh doanh của mình thường không ai giống ai, nhưng trong thực tế, chúng đều rất hợp lý và lôgích.

Đối với một chàng sinh viên còn ngồi trên nghế nhà trường mà tạo dựng được cho mình một cơ sơ như vậy đã nằm ngoài sức tưởng tượng của những người thân trong gia đình. Hơn nữa cơ sở của Sơn với gần 20 công nhân làm ăn có lãi trong thời kỳ nền kinh tế đất nước có nhiều biến động, khó khăn thì phải thừa nhận Lê Vĩnh Sơn là một người có tài kinh doanh thực sự.


Sau khi ra trường, không bằng lòng với những gì đã đạt được, Sơn thấy cần phải mạnh dạn bứt phá để có thể phục vụ được đông đảo người tiêu dùng hơn nữa, với số vốn kiếm được trong những ngày đầu lập nghiệp cùng với sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè. Năm 1998 Lê Vĩnh Sơn thành lập Công ty TNHH Kim khí Sơn Hà. Cũng giống như phần lớn các công ty khác những bước đi ban đầu Sơn Hà cũng gặp nhiều khó khăn về vốn, mặt bằng nhà xưởng, nhân lực, dây chuyền thiết bị máy móc, trong khi đó sản phẩm duy nhất của Sơn Hà là bồn inox đã phải đối đầu với đối thủ có sản phẩm cùng loại của Đài Loan và mười mấy nhãn hiệu đã “thành danh” của các nhà sản xuất khác trong nước.


Không có tên tuổi, lại bị cạnh tranh quyết liệt nên hàng Sơn Hà làm ra không bán được. Có lúc thiếu nguyên liệu sản xuất, giám đốc Lê Vĩnh Sơn phải đi khắp Hà Nội thuyết phục mua nguyên liệu trả chậm nhưng không chủ hàng nào chấp thuận. Còn vay ngân hàng thì không thể vì khi đó Sơn Hà còn chưa có tiếng tăm gì, ngay cả thứ có thể thế chấp đẻ vay tiền cũng không. Mọi thứ rất bấp bênh. Những kế hoạch Sơn Hà đặt ra khi ấy chỉ là kế hoạch tuần, kế hoạch tháng.



Sản phẩm của công ty Sơn Hà - Nguồn ảnh: shoponline.com.vn


Trong lúc khó khăn và cạnh tranh khốc liệt như thế, nếu thiếu bản lĩnh, có thể sẽ ngừng sản xuất hoặc chuyển sang kinh doanh một mặt hàng khác. Nhưng cũng chính lúc đó Sơn lại nghe vẳng bên tai những tiếng gõ búa của ông nội ngày nào. Những âm thanh quen thuộc đó cứ thôi thúc làm Sơn thêm động lực và quyết tâm giữ lấy nghề. Được sự hỗ trợ từ nhiều phía, bản thân lại cố gắng hết sức anh đã vượt mọi khó khăn và sự cố lên của Sơn đã được ghi nhận khi Sơn Hà đã thành công và trở thành một thương hiệu lớn.


Hiện nay, sản phẩm của Công ty Kim khí Sơn Hà đã không còn xa lạ với người tiêu dùng trong nước. Thậm chí khi nhắc đến cái tên Sơn Hà, nhiều người đã nghĩ ngay đến sản phẩm bồn nước inox, đến các loại chậu rửa và đồ gia dụng kim khí phục vụ nhà bếp.


Sự thành công của Sơn Hà, theo Lê Vĩnh Sơn, chính vì công ty đã chọn đúng sản phẩm kinh doanh là đồ gia dụng. Đây là mặt hàng cạnh tranh tự do, vì vậy, chính người tiêu dùng mới là người quyết định thành công hay thất bại của sản phẩm. Với ưu thế rẻ, bền, chất lượng cao nên khách hàng đã nhanh chóng tìm đến sản phẩm của Sơn Hà.


Không ngại đầu tư cho thương hiệu


Việc xây dựng thương hiệu của Sơn Hà cũng rất đặc biệt, không giống ai. Những ngày đầu, Lê Vĩnh Sơn đã cùng công nhân đi treo băng rôn quảng cáo ở khắp nơi. Sau này, khi công ty mua được chiếc ô tô tải đầu tiên, Sơn cho dán lên thành xe khẩu hiệu: “Bồn nước cao cấp Sơn Hà, người Hà Nội tin dùng”. Chiếc xe chở hàng đi khắp nơi và ở đâu, khẩu hiệu này cũng khiến nhiều người tò mò. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là cách quảng cáo của “con nhà nghèo”, không có nhiều tiền. Song, cách quảng cáo ấy cũng ít nhiều phát huy được tác dụng. Sau này, khi đã bắt đầu kinh doanh có lãi, năm nào Sơn Hà cũng trích ra một tỷ lệ doanh thu đáng kể dành cho việc quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng và tài trợ cho các giải thể thao. Chẳng hạn năm 2005, Sơn Hà đã dành cho quảng cáo khoảng 5 tỷ đồng, năm 2006 là 7 tỷ và năm 2007, chi phí dành cho quảng cáo của Sơn Hà lên đến hơn 10 tỷ đồng.


Mặt khác, Sơn Hà cũng đã đầu tư hàng trăm nghìn đôla để thuê chuyên gia tư vấn xây dựng thương hiệu. Theo giám đốc Lê Vĩnh Sơn, thì việc thuê chuyên gia tư vấn thương hiệu chính là để thương hiệu Sơn Hà ngày một chuyên nghiệp hơn, dễ đi vào lòng người hơn.


Thương hiệu Sơn Hà giờ không còn xa lạ với người tiêu dùng - Ảnh: Internet


Có lẽ, câu chuyện về thương hiệu thì ngày nào chúng ta cũng được nghe, nhưng dường như nó còn rất trừu tượng và khó hiểu. Còn với Lê Vĩnh Sơn, anh đã định nghĩa thương hiệu rất đơn giản, rằng: Thương hiệu chính là một phép cộng của chất lượng sản phẩm với uy tín công ty, với con người và chất lượng dịch vụ. Theo đó, thương hiệu sản phẩm muốn “sống” được thì chất lượng sản phẩm phải tốt. Càng với những tên tuổi (thương hiệu) lớn thì chất lượng sản phẩm đòi hỏi càng cao. Vì vậy, cuộc chiến thương hiệu hiện nay là cuộc chiến sống còn của một công ty, trong đó có Sơn Hà.


Luôn tìm cách mở rộng thị trường



Nguồn ảnh - women-bds.com

Sau 8 năm xuất hiện trên thị trường với một sản phẩm duy nhất là bồn nước inox và thị trường duy nhất là Hà Nội, thì nay, Sơn Hà đã có nhiều sản phẩm đa dạng và thị trường thì không ngừng được mở rộng. Hiện nay, các sản phẩm của Sơn Hà đã có mặt ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Nhiều bản làng xa xôi ở miền núi phía Bắc và miền Trung, Tây Nguyên, sản phẩm của Sơn Hà cũng đã có mặt.


Gần đây, sản phẩm của Sơn Hà còn xuất sang các nước như Inđônêxia, Lào, Malaixia, Campuchia và một số nước Đông Âu như Ukraina, CH Séc. Thậm chí các sản phẩm của Sơn Hà còn được xuất khẩu sang cả Mỹ, Đài Loan, vốn là những nước có tiêu chuẩn rất khắt khe với các mặt hàng kim khí dân dụng. Theo ông chủ Lê Vĩnh Sơn thì 5 năm nữa, xuất khẩu của Sơn Hà chắc chắn sẽ chiếm tới 50% doanh thu của công ty.
Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực sản xuất đồ kim khí, gần đây Sơn Hà còn mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như thành lập Công ty Phát triển năng lượng Sơn Hà hay Công ty đá Sơn Hà - Minh Tân, chuyên cung cấp các sản phẩm đá cho các ngành sản xuất đồ gia dụng, nội thất. Theo Lê Vĩnh Sơn thì một công ty muốn phát triển được lâu bền thì phải luôn tìm ra những sản phẩm mới, có nhiều tiềm năng phát triển và mở rộng thị trường.


Từ một cơ sở sản xuất nhỏ với vài công nhân, hiện nay, số công nhân đang làm việc trong các cơ sở của Sơn Hà đã lên đến gần một nghìn người. Sự thành công của Sơn Hà giống như một giấc mơ đẹp. Nhưng ẩn sau thành công ấy là những giọt mồ hôi, là khát vọng và niềm tin về sự lớn mạnh của nền kinh tế Việt.

Việt Cường

Nguồn: Vietimes

THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 2 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8

Kết quả Vòng 2 của kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...

THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 1 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8

Kết quả Vòng 1 của Kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...

THÔNG BÁO ĐÓNG CỔNG ĐĂNG KÝ DỰ TUYỂN

IPL Scholarship cảm ơn các bạn đã quan tâm và đăng ký dự tuyển IPL Scholarship Khóa 8. Hạn chót gửi Hồ sơ dự tuyển...

IPL INFO SESSION - Học "Lãnh đạo Khai phóng" là học gì?

Buổi Info Session này cũng sẽ làm rõ các “Q&A” về IPL Scholarship Khóa 8 đang tuyển sinh. Tại đây, các doanh nhân trẻ...