Tuyển sinh

Tin tức

Đặng Đình Tuấn - Nhà quản lý thích phiêu lưu

 
Dù ước mơ trở thành thủ tướng không còn mãnh liệt như cách đây 11 năm, nhưng Tổng Giám đốc Sacomreal vẫn lạc quan: "Biết đâu trong số hơn 85 triệu người Việt Nam, mình lại có được may mắn đó".
 
Tháng 10.2008, khi thị trường địa ốc Việt Nam đang trong tình trạng “đóng băng”, Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) quyết định bổ nhiệm Đặng Đình Tuấn làm tổng giám đốc mới (trước đây do ông Đặng Hồng Anh, hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, đảm nhiệm). Bỏ lại những gì đã tạo dựng được ở đảo quốc sư tử, Đặng Đình Tuấn trở về Việt Nam, dù tại đây, mức lương của anh không bằng mức được hưởng khi làm Phó Tổng Giám đốc CapitaLand (Singapore), một trong những tập đoàn bất động sản hàng đầu châu Á.
 
Tốt nghiệp ngành kỹ sư điện tử và làm giám đốc dự án cho tập đoàn điện tử Philips Singapore, không có kinh nghiệm về lĩnh vực bất động sản, tại sao anh lại được CapitaLand chọn ?
 
Thật ra, tôi không thích ngành điện tử lắm. Vào thời điểm đó, học bổng của Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) là một bước đệm trong sự nghiệp của tôi. Khi tôi đang làm ở Philips, Singapore có 3 học bổng: học bổng của Tổng cục Du lịch, học bổng của Capitaland và học bổng của Tập đoàn YTL. Trải qua hơn 10 vòng phỏng vấn của Capitaland, tôi đã nhận được học bổng trị giá 150.000 USD. Giống như trong cuộc thi American Idol, trong các vị giám khảo thế nào cũng có 1 người hỗ trợ mình, lúc đó, bà Jenny Chua, CEO Tập đoàn Raffles, một trong những người phỏng vấn tôi, cho rằng, nhờ học bổng này, ngành bất động sản sẽ có thêm làn gió mới nhờ những người được tuyển từ ngành khác. Tôi đã phải sử dụng những điều đã làm được để chứng minh khả năng của mình.
 


Vậy nguyên nhân nào khiến anh trở về Việt Nam khi sự nghiệp ở Capitaland đang rất tốt?
 
Đến một lúc nào đó, lương chỉ là vấn đề phụ. Ngoài chuyện tình cảm, có 2 điều khiến tôi trở về: Thứ nhất, thời điểm khó khăn, sự xuất hiện của mình mới đáng quý. Thứ 2, đối với cá nhân, tôi vẫn nuôi suy nghĩ "thời thế tạo anh hùng”.
 
Trong vai trò quản lý, những yếu tố nào là quan trọng nhất?
 
Tôi có một nguyên tắc trong quản lý: Cửa tôi luôn luôn mở. Nếu tìm không gặp thì gọi điện thoại cho tôi. Khi tôi bận, hãy gửi tin nhắn, không thì gửi email. Và tôi cam đoan trong vòng 24 giờ, bạn sẽ nhận được câu trả lời. Tôi muốn xây dựng văn hóa công ty giống như một gia đình, nhưng chuyên nghiệp trong công việc.
 
Trong một công ty bao giờ cũng có 2 hệ thống quản lý: formal network (cơ cấu công ty, sơ đồ quản lý thuộc vê phần cứng) và informal network (độ tin cậy và tính thuyết phục trong mối quan hệ thuộc về phần mềm). Nghĩa là, dù trưởng phòng hay giám đốc là người có quyền lớn nhất, nhưng chưa chắc họ có thể thuyết phục được nhân viên. Nếu kết hợp tốt 2 hình thức quản lý này, năng suất lao động sẽ tăng, mà trong giai đoạn khó khăn nó còn mang đến tính cạnh tranh cao cho công ty.
 
Từng giữ chức vụ quản lý ở Philips Electronics và Capitaland, anh nhận thấy có sự khác biệt cơ bản nào giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài?
 
Tính chuyên nghiệp của người Việt Nam chưa cao, có sự nhập nhằng giữa tình cảm và công việc. Sau đó phải kể đến chuyện đùn đẩy trách nhiệm giữa các cá nhân. Trong khoảng thời gian học ở Đại học Cornell (Mỹ), cái mà chúng tôi học được là khi ai nhận được câu hỏi của khách hàng thì chính người đó phải là đầu mối tìm ra câu trả lời.
 
Thứ 2 là Việt Nam bi lạm phát chức danh! Công ty nhỏ hay to gì cũng có CEO, ít hay nhiều kinh nghiệm đều có thề làm quản lý. Như vậy, vô hình trung làm ảnh hưởng đến thị trường lao động. Ở nước ngoài, nhiều người có bằng thạc sĩ phải phấn đấu đến 5 năm mới lên được chức danh quản lý. Còn ở mình thì chức danh này quá nhiều nên mọi người vẫn chưa cảm nhận được sự khác biệt giữa công ty nhỏ và công ty lớn. Một tập đoàn và một công ty nhỏ thì không tương đương nhau về năng lực quản lý.
 
Điều tôi lo lắng nhất là tính chủ động và trách nhiệm trong công việc. Hai điều này quyết định sự phối hợp trong nội bộ công ty, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ. Ở Việt Nam, các công ty thường chia việc theo chức năng, hoạt động độc lập, bạn muốn làm gì thì phải làm công văn hoặc tờ trình. Điều này cùng có ở một số tập đoàn nước ngoài, nhưng dù sao vẫn ít hơn vì họ chuộng cách làm việc theo nhóm.
 
Vậy trước khi anh về, Sacomreal có làm việc theo mô hình chức năng? 
 
Công việc của tôi chỉ là đưa ra một hệ thống quản lý bao quát hơn. Ở nước ngoài, cấp trên của phòng này có thể yêu cầu cấp dưới của phòng khác báo cáo công việc nếu thấy hợp lý. Đây là mô hình quản lý theo ô vuông mà ở Việt Nam, Nhà nước cũng đang áp dụng (dọc: theo hoạt động, ngang: theo chức năng). Tuy nhiên, ở tư nhân thì rất hiếm về họ không muốn có nhiều sếp. Một tập đoàn lớn có thể quản lý theo ít nhất 2 phương như trên. Một số công ty còn theo phương chéo (giám đốc đầu tư có thể kiểm tra phó tổng, hay nhân viên bình thường có thể là trưởng nhóm nghiên cứu, dù nhóm đó có người làm trưởng phòng). Tôi đang áp dụng hình thức này cho Sacomreal.
 
Một điều tôi nhận thấy rõ nhất là tại Việt Nam, chưa có hệ thống đánh giá nhân sự tốt. Ở nước ngoài, muốn bầu nhân viên xuất sắc phải dựa trên ý kiến của trưởng phòng, cấp dưới, đồng nghiệp và sự hợp tác nội bộ. Hệ thống đánh giá 3600 này sẽ cho biết năng lực thật sự của nhân viên và chỉ ra những yếu kém để họ khắc phục.
 
Anh từng tuyên bố trong khoảng 3 năm tôi sẽ đưa Sacomreal trở thành công ty tư vấn ngang bằng với Savills hay CBRE và có "tiếng nói” trong khu vực. Cơ sở nào để anh đưa ra ý kiến này?
 
Tôi nhìn vào tiềm năng của các dịch vụ mà Công ty đang phát triển và tiềm lực tài chính của Sacombank Group. Những công ty như Savills hay CBRE… khi vào Việt Nam cũng sử dụng lao động Việt Nam. Cái họ hơn mình chính là thương hiệu của cả một tập đoàn và hệ thống quản lý từ công ty mẹ. Do đó, chúng tôi cần thêm thời gian để xây dựng nền tảng.
 
Công việc thì luôn luôn có cách giải quyết. Còn đối với những vấn đề liên quan đến tình cảm, anh có cam đoan là sẽ đưa ra cầu trả lời trong vòng 24 giờ như đã nói ?
 
Có lẽ do đã qua cái thời yêu trong sự thơ mộng nên tôi biết rằng, giữa 2 người yêu nhau, nếu muốn tiến xa hơn thì nên cho biết con người thật của nhau từ trước để dễ dàng hiểu nhau hơn. Tôi yêu nhiều nhưng tôi cũng nói rõ ràng quan điểm của mình về sự nghiệp. Nếu không thể thông cảm cho nhau thì không nên níu kéo. Sự chân thành và thẳng thắn sẽ giúp cả hai có cuộc sống thoải mái. Điều này cũng giống triết lý trong kinh doanh: Đôi bên cùng có lợi, đừng chỉ biết nghĩ cho mình.
 
Năm 17 tuổi, anh từng tuyên bố "muốn theo học ngành luật để làm thủ tướng”, nhưng sau đó lại học ngành điện tử và giờ làm bất động sản. Vậy anh còn nuôi ước mơ đó không ?
 

Hiện tại tôi vẫn thích ước mơ này nhưng đã suy nghĩ thực tế hơn: Một nhà lãnh đạo tương lai trước hết phải biết quản lý tốt và kinh doanh giỏi. Và tôi tin cuộc sống luôn có sự sắp đặt. Tôi mới 29 tuổi, còn 20 năm nữa để phấn đấu và biết đâu, trong số hơn 85 triệu dân Việt Nam, mình lại may mắn hơn!


Hải Âu

Nguồn: Nhịp cầu đầu tư

THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 2 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8

Kết quả Vòng 2 của kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...

THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 1 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8

Kết quả Vòng 1 của Kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...

THÔNG BÁO ĐÓNG CỔNG ĐĂNG KÝ DỰ TUYỂN

IPL Scholarship cảm ơn các bạn đã quan tâm và đăng ký dự tuyển IPL Scholarship Khóa 8. Hạn chót gửi Hồ sơ dự tuyển...

IPL INFO SESSION - Học "Lãnh đạo Khai phóng" là học gì?

Buổi Info Session này cũng sẽ làm rõ các “Q&A” về IPL Scholarship Khóa 8 đang tuyển sinh. Tại đây, các doanh nhân trẻ...