Tuyển sinh

Tin tức

Tiến sĩ Trần Ngọc Anh: Hãy là nét vẽ đẹp trong bức tranh lớn

Trần Ngọc Anh vừa tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Harvard và được nhận làm Giảng viên Đại học Indiana, Hoa Kỳ. Mọi người biết đến anh như một người luôn đặt ra mục tiêu rõ ràng, và thực hiện đến cùng.



Trần Ngọc Anh

Luôn nhìn "bức tranh lớn"


Nhìn vào những thành công của anh, chắc nhiều người sẽ nghĩ: hồi nhỏ anh là một "thần đồng", hoặc chí ít cũng là một người thuộc dạng... học "khủng"?


Thực sự năng lực bản thân tôi rất bình thường, không có gì nổi trội so với những bạn sinh viên cùng lứa. Khi tôi học ở Việt Nam, chưa bao giờ được đứng đầu lớp, thường thì cấp 1, 2 tôi hay đứng thứ 30-40 của lớp, lên cấp 3 cũng có khi lọt vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi nhưng ít khi được giải.


Tôi nói điều đó là một sự thật, chứ chẳng phải quá khiêm tốn hay khách sáo khi nói chuyện với các bạn sinh viên.


Anh không định "đổ lỗi" cho cơ may đấy chứ?


Không. Tôi luôn cố gắng thấy "bức tranh lớn", và không bao giờ tôi làm bất cứ điều gì mà không đặt trong tổng thể của cả bức tranh lớn. Hồi học phổ thông, tôi chưa có bức tranh lớn và chỉ nghĩ là mình cố gắng học tốt để được vào trường tốt, chứ cũng chẳng nghĩ được vào trường tốt để làm gì.


Khi lên đại học, bức tranh lớn của tôi bắt đầu hình thành và tôi thấy xã hội như một cuộc cạnh tranh. Trong bức tranh lớn ấy, tôi đặt ra cho mình mục tiêu là chiến thắng trong cạnh tranh, nghĩa là có thu nhập cao và vị trí trong xã hội.


Tôi bắt đầu đạt được những cái đó khi về làm việc cho Hãng Hàng không VN (Vietnam Airlines), chưa nhiều tiền lắm nhưng bắt đầu thành đạt. Nhưng khi đó tôi bắt đầu thấy không hài lòng với  mục tiêu đặt ra, vì khi được mọi người kính trọng, có nhiều tiền, công việc hay ho… bạn sẽ thấy chưa đủ.


Lúc đấy, bức tranh lớn của tôi thay đổi, tôi nhận ra là xã hội không chỉ có cạnh tranh, mà còn có sự giúp đỡ lẫn nhau. Khi đó, tôi muốn tìm một công việc nào đó nó ý nghĩa hơn, có giá trị cho xã hội. Đó là lý do để tôi  bắt đầu nghĩ rằng cần đi học tiếp sau đấy quay về làm một cái việc gì khác.


Thế anh thực hiện mục đích mới của mình thế nào?


Sau khi học tại Úc, tôi về làm ở Ban Nghiên cứu của Thủ tướng (thuộc Văn phòng Chính phủ), vì tôi nghĩ công việc ở đó có tác động lớn. Khi vào đấy, tôi mới có cơ hội nhìn thấy quá trình vận hành đất nước từ bên trong, và biết rõ hơn đâu là những khó khăn thực sự. Tôi muốn đi vào lĩnh vực là tư vấn chính sách vì nghĩ rằng mình có thế mạnh ở trong việc này.


Để làm tốt việc này, tôi nhận ra rằng mình phải có trình độ cao về chuyên môn, và tôi bắt đầu tìm một chương trình đào tạo hàng đầu về phân tích chính sách. Lúc đó, tôi bắt đầu nghĩ đến chương trình tiến sĩ tại Harvard.


Ra đi (học tiến sĩ) là muốn tư vấn chính sách cho Việt Nam, nhưng giờ lại trở thành một giáo sư đại học ở tận Hoa Kỳ, điều này có mâu thuẫn không?


Tốt nghiệp xong tiến sĩ thì tôi có hai sự lựa chọn: Một là quay về nước tiếp tục làm tư vấn chính sách, hai là đi làm ở nước ngoài. Lúc đó tôi nhận được một lời mời làm việc cho Liên Hợp Quốc tại NewYork, hoặc dạy tại một số đại học ở Anh, Mỹ, Singapore…


TS Trần Ngọc Anh


- Năm 1995: Tốt nghiệp Học viện Kinh tế Plekhanov (Nga).


- 1995-1997: Làm việc tại Hãng Hàng không Quốc gia VN (Vietnam Airlines).


- 1997: Nhận học bổng của Cộng đồng châu Âu, đến nhiều nước ở EU để học hỏi môi trường kinh doanh.


- 1999-2000: Nhận học bổng học Thạc sĩ ngành Kinh tế tại Đại học New South Wales (Australia).


-2000-2003: Chuyên viên ban Nghiên cứu của Thủ tướng


- 2003-2009: Nhận học bổng và tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Chính sách công ĐH Havard


- 2009: Làm việc tại Đại học Indiana (Hoa Kỳ) với chức danh Assistant Professor


- Đồng tác giả cuốn sách "Kinh tế Việt Nam: Đánh thức con rồng ngủ quên"

Lúc ấy, tiêu chuẩn của tôi xác định rất rõ ràng: vị trí nào mà có thể tác động tốt nhất cho xã hội Việt Nam thì sẽ là nơi tôi muốn làm. Và tôi nghĩ rằng, làm việc tại một trường đại học tốt trên thế giới, mang nguồn lực tri thức về giúp đất nước, thông qua giảng dạy, nghiên cứu và tư vấn chính sách là hay nhất. Đó là lý do tôi nhận về làm Giảng viên cho Đại học Indiana.


Vậy thì quả là may mắn luôn song hành cùng anh rồi?


Không hẳn vậy đâu. Tôi cũng gặp khá nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng tôi cũng gặp may mắn nhiều. Vấn đề là ở chỗ, tôi cố gắng không quên bức tranh lớn. Thêm nữa, có người thất bại một lần là nản chí, nhưng tôi thì không.


Có những lúc tôi nộp học bổng với hy vọng được chấp nhận, thì tôi lại trượt các học bổng đấy. Nhưng năm sau lại tiếp tục. Tôi luôn nghĩ về bức tranh lớn, trong cái bức tranh đó lại nghĩ về vai trò của mình trong đó như thế nào. Thế còn chuyện để mình đạt được học bổng này, dự án kia… tất cả chỉ là những công cụ.


Nếu mình giữ được mục tiêu chính thì khi thất bại cái này sẽ có cơ hội khác. Người mà nhìn cuộc đời tích cực thì cơ hội sẽ luôn luôn đến. Tôi nghĩ, nếu mình có 10 cơ hội, chỉ thành công trong 1-2 cơ hội thôi, và thường trượt 8-9 cơ hội, nhưng thế là tốt rồi.


Một điểm nữa là tôi không quá căng thẳng và áp lực với những dự định mình đặt ra. Một Thiền sư từng nói rằng, tìm niềm vui trên mỗi chặng đường đi sẽ giúp sức cho mình đi xa hơn. Điều quan trọng là mình sống có ý nghĩa, mình thấy mình là nét vẽ nhỏ trong bức tranh lớn, để bức tranh lớn được đẹp trước hết mình phải là một nét vẽ đẹp.


Các bạn trẻ thường thấy bức tranh lớn không anh?


Tôi có một may mắn là từ bé luôn được học với nhiều người giỏi. Nhưng có một điểm chung là nhiều bạn chỉ tập trung vào giỏi một việc nhỏ, mà bỏ qua bức tranh lớn. Thực sự tôi rất muốn các bạn trẻ quan tâm đến bức tranh lớn. Cần đặt câu hỏi rằng mục đích trong cuộc sống của mình là gì, năng lực mình đến đâu và mình dùng năng lực ấy vào công việc gì.


... "Nét vẽ đẹp" cho đời và "món võ phòng thân"


Làm thế nào để mỗi bạn trẻ đều là một "nét vẽ đẹp" như anh nói?


Bây giờ xã hội mình cứ nói đại gia này, đại gia kia… khiến "đại gia" như là mục tiêu của cuộc sống.


Khi tiếp xúc với những người giàu có và quyền lực, mới thấy nhiều người không hạnh phúc. Lúc đó mới rõ rằng cuộc sống vật chất không đủ, còn cuộc sống tinh thần nữa. Có thời gian tôi tìm đọc sách triết học, tâm lý học, Phật học, để trả lời những câu hỏi như cuộc sống là gì?


Với tôi, mục tiêu đích thực của cuộc sống là trở thành người quân tử, là người đạt tới tri thức hiểu cuộc sống, biết cách sống thế nào để đem lại hạnh phúc cho bản thân và người khác.


Tri thức này không đo được qua bằng cấp. Khi mình là một người quân tử,  mình không có xu dính túi vẫn thấy thanh cao, tràn đầy hạnh phúc. Và tôi nghĩ rằng nếu nhiều người trẻ vươn tới, làm người quân tử thì đất nước sẽ tốt hơn rất nhiều…


Anh tâm sự rằng hồi học phổ thông mình học rất bình thường trong khi xung quanh rất nhiều người giỏi, nhưng người ta thấy anh nhận được những học bổng rất danh giá. Bí quyết để có được điều đó là...?


Nhiều người nghĩ là đi học nước ngoài rất là khó nhưng thực ra là do chưa có người hướng dẫn mà thôi. Tôi nghĩ những người sau khi đi du học về sẽ là nguồn thông tin rất tốt cho các bạn trẻ.


Các trường đại học ở Mỹ bao giờ họ cũng cạnh tranh nhau để thứ hạng của trường tăng lên. Để cạnh tranh nhau thì một trong những cái họ yêu cầu ở người học là học giỏi và thi đạt kết quả cao.


Mình là người Việt Nam muốn vào học những chương trình học bổng chỉ cần chịu khó mà luyện và thi là  được, luyện thi thì không cần phải đi nước ngoài, ở ta có đầy sách vở để luyện. Lúc đó, cửa để đi học nước ngoài rất rộng mở. Người Trung Quốc, Ấn Độ tận dụng những cái này rất tốt.


Ai đó hỏi anh về công việc của một giáo sư ở ĐH Indiana, anh sẽ nói gì?


Trường tôi đang làm việc là một đại học vào hạng khá. Về chuyên ngành của tôi (chính sách công) thì trường này đứng thứ hai ở Mỹ.


Năm vừa rồi Giáo sư Lin Ostrom ở trường vừa nhận giải Nobel Kinh tế. Nhiệm vụ của một giáo sư ở loại đại học này (Research University) không chỉ là truyền đạt tri thức mà là tạo ra tri thức. Nhiệm vụ số một phải là tạo ra tri thức thông qua các công trình khoa học; Nhiệm vụ số hai mới là chuyển giao tri thức.


Do vậy, mỗi năm tôi chỉ dạy 2 môn và dạy vào một học kỳ, tức là 4 tháng thôi. Môn thứ nhất mà tôi dạy là Kinh tế phát triển; môn thứ hai là Thương mại và Tài chính quốc tế. Trong các nghiên cứu khoa học của mình, tôi tập trung vào việc tìm ra phương pháp giúp các nước nghèo tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội tốt.


Xin cảm ơn anh!


Theo Lê Ngọc Sơn

Nguồn: Sinh viên Việt Nam

THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 2 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8

Kết quả Vòng 2 của kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...

THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 1 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8

Kết quả Vòng 1 của Kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...

THÔNG BÁO ĐÓNG CỔNG ĐĂNG KÝ DỰ TUYỂN

IPL Scholarship cảm ơn các bạn đã quan tâm và đăng ký dự tuyển IPL Scholarship Khóa 8. Hạn chót gửi Hồ sơ dự tuyển...

IPL INFO SESSION - Học "Lãnh đạo Khai phóng" là học gì?

Buổi Info Session này cũng sẽ làm rõ các “Q&A” về IPL Scholarship Khóa 8 đang tuyển sinh. Tại đây, các doanh nhân trẻ...