Thủ lĩnh Dung Quất
Thời điểm bàn giao nhà máy lọc dầu Dung Quất càng đến gần thì giấc ngủ của tổng giám đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn Nguyễn Hoài Giang càng ngắn. Anh thoắt ẩn thoắt hiện giữa bộn bề công việc vì vừa phải lo khắc phục sự cố rò rỉ van, vừa chuẩn bị đưa nhà máy lọc dầu vào chạy thử trước tiến độ một tháng so với kế hoạch.
Niềm vui của sự kiện sản xuất mẻ dầu đầu tiên mang thương hiệu “made in Vietnam” chưa được bao lâu (tháng 2-2009) thì xảy ra sự cố rò rỉ van tại phân xưởng cracking xúc tác, nhà máy phải tạm dừng sản xuất. Các chuyên gia tổ hợp nhà thầu Technip (Pháp) và nhà cung cấp thiết bị van đề nghị đưa sang Ý sửa chữa.
Nhưng chiếc van dài gần 9m, ngang 0,8m và nặng đến 10 tấn nên phải vận chuyển bằng tàu biển và mất ít nhất ba tháng mới có thể đưa trở về Việt Nam lắp đặt.
Đánh cược uy tín
Nhiều ý kiến tranh luận tại cuộc họp bàn biện pháp xử lý nhưng các phương án đưa ra đều không ổn, bởi lẽ nhà máy đang trong thời gian chạy thử. Trong lúc tưởng chừng bế tắc đó, tổng giám đốc Nguyễn Hoài Giang quyết định cho khắc phục van chuyên dụng bị hỏng ngay tại phân xưởng sửa chữa của nhà máy. Nhiều người không đồng tình. Nguyễn Hoài Giang nhớ lại: “Quyết định này cũng có nghĩa mình phải gánh hoàn toàn trách nhiệm. Tôi đem cả uy tín của mình ra đánh cược vì tôi tin là có thể làm được”.
Tổng giám đốc Nguyễn Hoài Giang (Ảnh: TTCT) |
Những ngày căng thẳng ấy, tập thể kỹ sư Việt Nam cùng các chuyên gia nước ngoài đã chia các tổ, nhóm dồn sức làm việc ngày đêm. Phòng làm việc của tổng giám đốc trở thành phòng ngủ trực chiến của cả nhà máy. “Đêm nào cũng họp hai ba phiên, kể cả lúc 2-3 giờ sáng để bàn cách xử lý sự cố, hễ có gì trục trặc là họp. Mình chỉ có thể chợp mắt chừng hai tiếng mỗi đêm, mà khi ngủ cũng không dám rời chiếc điện thoại” - Giang kể. Chỉ mất một tháng sự cố đã được khắc phục, nhà máy vận hành 100% công suất đúng tiến độ.
“Có lẽ trong cuộc đời mình, những thời điểm căng thẳng nhất là thời gian làm việc tại Dung Quất” - Giang tâm sự. Về nguyên tắc, khi các phân xưởng công nghệ xong hoàn toàn, chờ hoàn thiện thì nhà máy mới có thể đưa vào vận hành. Nhưng nếu cứng nhắc tuân thủ nguyên tắc này thì mẻ sản phẩm dầu đầu tiên ra lò tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất sớm nhất cũng phải đến cuối năm nay mới có thể xuất xưởng được.
Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Tập đoàn Dầu khí quốc gia, tổng giám đốc Giang đã bàn kỹ với nhà thầu Technip xây dựng phương án chi tiết phân xưởng nào hoàn thành khoảng 50% thì chạy được, còn phân xưởng nào hoàn thành hơn 70% trở lên mới có thể đưa vào vận hành, chế biến...
Cuối cùng, mẻ sản phẩm dầu đầu tiên sớm hơn mốc tiến độ đề ra (25-2-2009) trước ba ngày. “Những ngày ấy tôi như rơi vào “điểm giữa” của ba điều kiện: tiến độ, an toàn và chất lượng. Thật khó để cả ba điều kiện này đạt được điểm 10. Do vậy phải bình tâm xác định điểm nào quan trọng nhất thì dồn sức nhiều hơn” - Giang giải thích.
Theo các chuyên gia Technip từng xây các nhà máy lọc dầu nổi tiếng trên thế giới, sự cố rò rỉ van ở Nhà máy Dung Quất là chuyện bình thường bởi lẽ nhà máy đang trong thời kỳ vận hành thử. Tuy nhiên, việc khắc phục nhanh hay chậm mới là quan trọng. Đến thời điểm này, nhà máy đã đi vào hoạt động 100% công suất.
“Từ khi nhận trách nhiệm phó tổng giám đốc kỹ thuật giữa tháng 5-2008 đến giờ, mình chưa về nhà lần nào, kể cả tết” - Giang phân trần với giọng nói pha chút áy náy. Thời điểm căng thẳng nhất của Nhà máy Dung Quất thì anh nhận tin vợ trở dạ sinh con trai thứ hai vào ngày 9-9. “Tôi chỉ kịp bay về TP.HCM nhìn mặt con chưa được 10 phút, hỏi han động viên vợ mấy câu rồi phải bay ra lại nhà máy vì lúc đó nhà máy cần mình hơn. Tôi tin vợ con tôi hiểu điều đó”.
Sống chân tình, làm việc hết mình
Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã hoạt động 100% công suất (Ảnh: TTCT)
Hiện kế hoạch mở rộng, nâng công suất nhà máy lên 140% (khoảng 9 triệu tấn dầu/năm) đã được Petro Vietnam và ban giám đốc nhà máy đặt ra. Tổng giám đốc Giang tin rằng đội ngũ nhân lực hiện có qua tự đào tạo tại Dung Quất đủ sức vận hành nhà máy. “Nhiều người trong số họ rất giỏi. Nếu được đặt đúng vị trí và phát huy sở trường, họ sẽ làm tốt mọi việc” - Giang khẳng định. Và chính sự tự tin của vị thủ lĩnh trẻ này là động lực cho cả nhà máy cùng lao vào công việc.
“Anh Giang là người giàu tình cảm, luôn quan tâm mọi người” - kỹ sư Phạm Sơn Dương, phụ trách lĩnh vực công nghệ thông tin nhà máy, nói về thủ lĩnh của mình. Khi mới ra trường lặn lội từ Ninh Bình vào Quảng Ngãi vào tháng 4-2002, kỹ sư Dương được phân về phòng tự động hóa, phụ trách lĩnh vực công nghệ thông tin và làm việc với phó phòng là anh Giang.
“Biết tôi mới ra trường, từ quê vào gặp nhiều khó khăn, anh luôn động viên, giúp đỡ. Làm việc được vài ngày, anh Giang gọi tôi vào phòng trò chuyện, sau đó đưa tôi 500.000 đồng bảo cầm tạm để chi tiêu, khi nào thu nhập ổn định trả lại sau cũng được. Tôi thật sự xúc động và biết ơn anh”.
Cho đến nhiều năm sau này, khi giữ cương vị tổng giám đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, quản lý hơn 1.000 kỹ sư, công nhân tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Giang vẫn luôn gần gũi, quan hệ mật thiết với anh em cấp dưới. Kỹ sư Dương cho biết tổng giám đốc rất thẳng thắn, quyết đoán trong công việc và biết lắng nghe, đồng thời động viên mọi người nỗ lực học hỏi kiến thức mới, chia sẻ kinh nghiệm. Nhờ vậy nhiều người đã trở nên cứng cáp tay nghề, đảm nhận nhiều vị trí quan trọng của nhà máy.
Thông thạo cả bốn ngoại ngữ, cộng với kinh nghiệm hơn năm năm lăn lộn tại các giàn khoan ở mỏ dầu Bạch Hổ và gần 10 năm gắn bó với Nhà máy lọc dầu Dung Quất từ lúc mới hình thành, Nguyễn Hoài Giang thật sự là một phiên dịch đặc biệt bởi anh hiểu chắc mọi vấn đề và có thể trao đổi bằng ngoại ngữ với các chuyên gia quốc tế.
Có cùng dự các cuộc họp giao ban hằng tuần về tiến độ với lãnh đạo Chính phủ và các nhà chuyên môn trên công trường Nhà máy lọc dầu Dung Quất mới thấy tổng giám đốc Giang thật sự gây ấn tượng, khi anh kiêm luôn phiên dịch cho đại diện Technip trả lời về tiến độ nhà máy trước Chính phủ.
Những chuyên gia của Technip đến từ các châu lục coi Giang như người thân, bởi vốn ngoại ngữ phong phú của anh và bởi anh luôn là người có mặt kịp thời giúp họ giải quyết khó khăn. Ông John Senior (Anh), tư vấn trưởng phụ trách an toàn môi trường và phòng cháy Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhận xét: “Tôi đặc biệt ấn tượng ông Giang vì trong mọi tình huống, ông luôn giữ được sự bình tĩnh, đưa ra những giải pháp tối ưu, kịp thời cùng với các chuyên gia, kỹ sư vận hành nhà máy tháo gỡ khó khăn bằng tinh thần trách nhiệm cao nhất”.
Sinh ra ở Đông Anh (Hà Nội) năm 1968, Nguyễn Hoài Giang theo gia đình về quê ở Cần Thơ sau ngày miền Nam giải phóng. Năm 1986, trúng tuyển vào ĐH Bách khoa TP.HCM với số điểm 26 - là thủ khoa của tỉnh Hậu Giang lúc bấy giờ - Giang nhận được học bổng vào khoa điện tử - tự động hóa của ĐH Bách khoa Sofia (Bulgaria).
Trở về nước cuối năm 1993, đầu năm 1994 Giang làm việc cho Vietsovpetro Vũng Tàu. Hơn năm năm lặn lội ở các giàn khoan, từ một kỹ sư máy tính, thiết kế, tự động hóa đến trưởng ca điều độ công nghệ giàn nén khí ở mỏ Bạch Hổ, Giang đã tích lũy nhiều kinh nghiệm và tháng 9-1999 được biệt phái về Dung Quất, tham gia giai đoạn thiết kế nhà máy liên doanh với Nga.
Từ 2002-2003, làm phó phòng chuyên trách tự động hóa, rồi giám đốc chạy thử nhà máy kiêm phó tổng giám đốc kỹ thuật Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (5-2008). Cuối tháng 4-2009 nhận chức vụ tổng giám đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn.
Kim Em - Minh Thu
Nguồn: Tuổi trẻ cuối tuần
THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 2 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8
Kết quả Vòng 2 của kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...
THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 1 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8
Kết quả Vòng 1 của Kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...
THÔNG BÁO ĐÓNG CỔNG ĐĂNG KÝ DỰ TUYỂN
IPL Scholarship cảm ơn các bạn đã quan tâm và đăng ký dự tuyển IPL Scholarship Khóa 8. Hạn chót gửi Hồ sơ dự tuyển...
IPL INFO SESSION - Học "Lãnh đạo Khai phóng" là học gì?
Buổi Info Session này cũng sẽ làm rõ các “Q&A” về IPL Scholarship Khóa 8 đang tuyển sinh. Tại đây, các doanh nhân trẻ...