Tuyển sinh

Tin tức

Kinh doanh có trách nhiệm: Hơn cả chuyện kiếm tiền

“Chúng tôi tin rằng làm kinh doanh không chỉ là việc xây dựng một thương hiệu, mà đó còn là lý do để kiến tạo một niềm tin” - Jim Armstrong, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Công ty Good for Business - đã thổ lộ về mục đích mà các doanh nhân nên ưu tiên trong công việc kinh doanh của mình.

Các doanh nghiệp cần định vị lại thương hiệu của mình bằng những khác biệt mà họ tạo được cho cuộc sống, bằng những thành tựu tiếp thị gần gũi với giá trị và nếp sống của khách hàng, và bằng lề lối kinh doanh cẩn trọng và có trách nhiệm đối với cộng đồng.

Lý thuyết quản trị kinh doanh có thể đem lại hiệu quả là làm tăng doanh số, nhưng người lãnh đạo thật sự tài năng sẽ quyết định chiếc thang doanh số ấy có đang tựa vào đúng bức tường cần thiết hay không. Bức tường nên dựa vào phải là cộng đồng và người tiêu dùng. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp hiện nay đều nhấn mạnh đến hiệu quả kinh doanh ngắn hạn của mình mà không cần biết những lợi nhuận ngắn hạn này sẽ xóa sổ lợi ích dài hạn của toàn thể cộng đồng.

CSR và CSI

Nếu CSR (Corporate Social Responsibility) là một khái niệm về trách nhiệm đạo đức của tập đoàn kinh tế trước xã hội thì CSI (Corporate Social Irresponsibility) lại tố cáo thái độ vô trách nhiệm và duy lợi nhuận của các thể chế kinh tế đa quốc gia.

Đó là vì những công ty (như Coca-Cola) mà chúng ta phải sống trong một thế giới, nơi phụ nữ và trẻ em châu Phi phải bỏ ra 40 tỉ giờ hằng năm để tìm kiếm nước sạch, theo báo cáo của UNICEF.

Cần phải đánh đổi 2,6 lít nước để sản xuất ra 1 lít Coca-Cola, và tập đoàn này đã sử dụng 278 tỉ lít nước hằng năm, tương đương với số lượng nước sạch đủ dùng cho toàn thế giới trong vòng 10 ngày, để sản xuất ra nước ngọt bán cho giới thượng lưu nhà giàu. Sự thật này khiến hoạt động sản xuất của Coca-Cola ở bang Kerala (Ấn Độ) bị đình chỉ và đóng cửa vĩnh viễn.

Chính quyền Ấn Độ cũng đang xem xét cắt giảm sản lượng của Coca-Cola tại nước này. Thế nhưng tháng 6-2004, tập đoàn này đã muốn tìm kiếm sự hòa hoãn bằng việc ký kết với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) trong chương trình “Nước sạch cho cộng đồng” ở Việt Nam và Ấn Độ trị giá 50.000 USD.

Hãy khoan vỗ tay hoan hô mà nên xem xét một sự thật: lượng nước sạch mà Coca-Cola sử dụng trong năm 2004 để sản xuất có thể đáp ứng nhu cầu nước uống của tất cả những ai chưa có khả năng tiếp cận nguồn nước sạch trên toàn cầu trong vòng 47 ngày.

Ngoài ra, nếu đem so sánh giá trị “cái quĩ nước sạch” này với tổng giá trị thương hiệu Coca-Cola (trị giá 102 tỉ USD) thì mức chênh lệch sẽ là 0,00005%.

Tương tự, các tập đoàn đa quốc gia khác về khai thác dầu khí như BP Petroleum (Anh) hay Texaco Chevron (Mỹ) vẫn dùng những danh từ copywrite mỹ miều để lấp liếm sự phá hoại môi trường sống Trái đất khủng khiếp của họ: “The power of human energy” (của Chevron) hay “A growing alternative” (BP).

Để kiểm soát tình hình, việc cố gắng xây dựng một chỉ số đo lường trách nhiệm tập đoàn (Corporate Responsibility Index - CRI) của Công ty kiểm toán Ernst & Young cùng với Tổ chức Business in Community (Anh) cho thấy trách nhiệm của tập đoàn cần phải được xem xét trong lợi ích của toàn bộ những nhân tố có liên quan - ở đây gọi là những “stakeholder” - bao gồm xã hội - cộng đồng, môi trường, thị trường kinh doanh và nơi làm việc.

Ngay cả tại Liên minh châu Âu hay mới đây là Trung Quốc, CRI được lập ra như những tín điều dành cho doanh nghiệp để giúp họ cải thiện và gắn kết thương hiệu với thói quen kinh doanh có trách nhiệm.

Một hệ thống kiểu ISO được đưa ra để kiểm soát, đo lường và thông báo những tác động của các tập đoàn kinh tế đối với xã hội và môi trường. Nhưng liệu như thế đã đủ chưa?

Trả lại nhiều hơn lấy đi

Năm 1996, trong một cuộc nói chuyện công khai với 500 chuyên gia thiết kế nội thất ở Boston (Mỹ), Ray Anderson - CEO của Tập đoàn Interface Inc. - đã thú tội: “Một ngày nào đó, những người như tôi có thể bị tống vào tù”.

Hẳn những doanh nhân đáng kính ngày nay sẽ giật mình khi biết Anderson đang đứng đầu một tập đoàn nổi tiếng về sản xuất thảm, vải sợi, hóa chất và nội thất nền nhà với doanh số hằng năm trung bình 1 tỉ USD.

Trong cuốn sách Mid - Course correction: Toward a sustainable enterprise (Sửa sai đường lối: Hướng đến một sự nghiệp bền vững), ông chỉ ra rằng để thật sự là bền vững, các công ty cần phải triệt để cân nhắc lại khái niệm kinh doanh của mình.

Để làm rõ quan điểm của mình, Anderson kể lại câu chuyện lãng phí “không thể tưởng tượng nổi” của Interface Inc. năm 1995, khi kiểm kê nguồn nguyên vật liệu trong toàn bộ chuỗi cung ứng của công ty, ban lãnh đạo kinh ngạc phát hiện họ đã bòn rút và xử lý 1.224 tỉ pound (1 pound = 453,6g) nguyên liệu từ nguồn vốn thiên nhiên của Trái đất chỉ để sản xuất ra 802 triệu USD tổng giá trị sản phẩm!

Trong tổng số nguyên vật liệu này có 800 triệu pound là những chất có nguồn gốc từ dầu hỏa, than đá, khí đốt - mà 2/3 của số này không thể thay thế được, không thể hồi phục được và bị dùng đến cạn kiệt. Riêng 1/3 còn lại được dùng để tạo ra năng lượng giúp xử lý 400 triệu pound nguyên liệu vô cơ khai thác trong lòng đất.

Anderson cảm thấy “bệnh” vì con số lãng phí khủng khiếp này và quyết định thay vì bán thảm trải nền có nguyên vật liệu bắt nguồn từ dầu hỏa, Interface Inc. sẽ cho khách hàng mướn thảm của họ và kiểm soát vòng đời của mỗi tấm thảm này.

Khi thảm quá cũ, cần phải được thay thế, họ lên kế hoạch sản xuất thảm mới bằng chất liệu hữu cơ lấy từ thực vật. Như vậy, tập đoàn này đã chuyển đổi cách tiếp cận buôn bán sản phẩm thành cách tiếp cận dịch vụ cho thuê sản phẩm, đem lại một xu hướng bền vững và cung cách phục vụ khách hàng gần gũi hơn.

Tóm lại, mục tiêu kinh doanh mới mẻ mà Interface Inc. cho thấy chính là cung cấp tính hiệu quả, chất lượng và đáp ứng nhu cầu khách hàng thay vì bán ra hàng loạt sản phẩm.

Theo cách làm kinh doanh truyền thống của nền kinh tế thị trường, hàng hóa được làm ra không phải để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu mà chỉ đơn giản để thu được nhiều tiền, và luồng tiền thu vào lại được dùng cho việc mua nhiều hàng hóa hơn.

Để sống còn, các công ty phải bán hàng và đảm bảo doanh số, do đó tìm đủ mọi chiêu thức kích thích nhu cầu tiêu dùng. Vòng tròn tái sử dụng nguyên vật liệu bị đứt gãy do thói quen sản xuất và tiêu dùng vô độ, gây kiệt quệ nguồn tài nguyên và tạo gánh nặng xã hội do những chi phí phụ thêm bên ngoài.

Thật vậy, cuộc “hành trình Odyssey” mà giới doanh nghiệp trong những thập niên tới sắp phải trải qua chính là chuyển tiếp từ thói quen khai thác cạn kiệt (exploitation) sang ý thức tái sinh trạng thái nguồn nguyên vật liệu (regeneration), và cuối cùng là trả lại nguyên trạng như ban đầu của hệ sinh thái (restoration). Trong tương lai, hành vi đạo đức kinh doanh phải là: trả lại nhiều hơn lấy đi. 

 Tiêu dùng có trách nhiệm: không chỉ là hưởng thụ

Tiêu dùng có trách nhiệm là một phần không thể tách rời của kinh doanh có trách nhiệm. Chính khách hàng là nhân tố thúc đẩy các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ thay đổi quan niệm về thương mại.

Vì vậy, tiêu dùng có trách nhiệm được hiểu như một chọn lựa mang tính chính trị của cộng đồng người tiêu dùng, hơn là một phản ứng của thị trường đối với nhu cầu của khách hàng. Trong tương lai không xa, người tiêu dùng sẽ chọn mua và sử dụng một thương hiệu dựa trên những tiêu chuẩn khắt khe giống như một cuộc bầu cử tổng thống!

Và như thế, người tiêu dùng có trách nhiệm không chỉ là tìm mua bằng được những thương hiệu có nhúng màu xanh lá cây, những món đồ có dấu chứng nhận của FairTrade (Tổ chức Thương mại công bằng - chứng nhận này thông tin minh bạch giá sản xuất, giá phân phối và giá bán của từng sản phẩm một cách công bằng để khách hàng được biết), hay sử dụng túi giấy thay vì bao nilông mà còn nên tự đặt ra những câu hỏi khi chuẩn bị mua sắm:

1. Liệu tôi có thật sự cần ngay lập tức món đồ này hay không?

2. Liệu các món đồ cũ của tôi có cần thiết thay thế hay chưa?

3. Trước khi mua món đồ ấy, liệu tôi có thể mượn tạm ai đó để sử dụng đỡ hay không? 

ĐẠT ÂN

Nguồn: Tuổi Trẻ Cuối Tuần

THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 2 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8

Kết quả Vòng 2 của kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...

THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 1 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8

Kết quả Vòng 1 của Kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...

THÔNG BÁO ĐÓNG CỔNG ĐĂNG KÝ DỰ TUYỂN

IPL Scholarship cảm ơn các bạn đã quan tâm và đăng ký dự tuyển IPL Scholarship Khóa 8. Hạn chót gửi Hồ sơ dự tuyển...

IPL INFO SESSION - Học "Lãnh đạo Khai phóng" là học gì?

Buổi Info Session này cũng sẽ làm rõ các “Q&A” về IPL Scholarship Khóa 8 đang tuyển sinh. Tại đây, các doanh nhân trẻ...