Tuyển sinh

Tin tức

Xây dựng niềm tự hào thế hệ

Toàn cầu hóa khiến biên giới giữa các quốc gia trở thành những biên giới mềm, biên giới của hàng hóa và văn hóa. Xu thế này cũng khiến doanh nhân trở thành giai tầng có ảnh hưởng quan trọng đưa kinh tế Việt Nam gia nhập xu thế toàn cầu hóa.


Ba mươi lăm năm đủ để định hình nhân cách một con người, cũng là thời gian đủ để hình thành một thế hệ với những định hướng mới và cả những suy nghĩ mới về xã hội. Thế hệ doanh nhân trẻ ra đời sau năm 1975 liệu đã đủ thời gian để định hình nên những đặc trưng, những dấu ấn riêng hay những niềm tự hào của thế hệ?

Thế hệ vàng


Câu hỏi trên cũng có nghĩa là một lực lượng doanh nhân còn vô cùng non trẻ lại phải gánh trên vai một trọng trách lớn lao. Liệu các doanh nhân trẻ sẽ có thể đảm đương trọng trách này để gây dựng một nền kinh tế giàu mạnh và tự chủ?



Nói đây là một lực lượng non trẻ vì họ chưa đủ thời gian để kế thừa kinh nghiệm, kiến thức của thế hệ doanh nhân đi trước - vốn là những người mày mò tìm cách làm ăn để thoát nghèo. Đó là những khó khăn lớn mà doanh nhân trẻ không thể lẩn tránh. Chị Nguyễn Thị Minh Châu, Tổng giám đốc Công ty Mio Communications, cho rằng, xuất phát điểm của thế hệ chị gần như là không có gì.


Vì để nói đến tinh thần doanh nhân, thì phải mãi đến năm 1986 đất nước mới mở cửa, lúc đó mới nghĩ đến doanh nhân là gì, làm ăn là như thế nào. Thế hệ sinh sau 1975 lúc đó cũng mới lớn, mới bắt đầu cập nhật thông tin về tư duy làm giàu, và từ đó mới bắt đầu xây dựng nền tảng cho mình trong việc làm giàu.


Anh Nguyễn Cao Trí, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Bến Thành, thì nhìn nhận “xuất phát điểm số không” đó đôi khi lại chính là sức mạnh. Theo anh Trí, doanh nhân các nước Hàn Quốc, Nhật Bản cũng có xuất phát điểm đi lên từ “tận cùng” bởi khó khăn từ hậu quả chiến tranh, kinh tế quốc gia kiệt quệ, và Việt Nam cũng có sự tương đồng với họ.


Các doanh nhân Nhật Bản, Hàn Quốc đã trải qua rất nhiều khó khăn, hiểu được sự tủi nhục, mất mát của nghèo khó, để từ đó có động lực đi lên, hình thành nên các tập đoàn lớn như Sony, Toyota, Samsung. Riêng với thế hệ doanh nhân Việt Nam ra đời sau năm 1975, đáng lẽ họ làm được rất nhiều việc, nhưng do cơ chế không có, nên sau hơn 30 năm vẫn chưa có một thế hệ doanh nhân thật sự hùng mạnh. Thế hệ trẻ giờ đây đang mang trên vai trọng trách rất lớn, có thể coi là thế hệ vàng vì “vừa có cái cũ, vừa có cái mới” để hướng tới.


Khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục tăng trưởng và ngày càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tổng sản phẩm nội địa (GDP) đạt mức tăng trưởng bình quân hằng năm là 7,2% từ 2000 - 2009, giúp Việt Nam trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Được hỗ trợ bởi nền kinh tế năng động này, có những doanh nghiệp rất trẻ, chỉ trong vòng 5 - 10 năm đã trở thành những cái tên lớn được nhiều nhà đầu tư quốc tế quan tâm như VinaGame, NAiSCorp. hay Ebay Chợ Điện Tử...


Những ông chủ của những công ty này, tuổi đời dưới 30, đang tận dụng những cơ hội vàng của tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Họ cũng mang hoài bão khẳng định thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới, đọ sức với Google hay Yahoo!. Năm ngoái, Công ty cổ phần Dịch vụ Công nghệ thông tin NAiSCorp. - đơn vị sở hữu Socbay.com, đã từ chối lời đề nghị mua lại của Google.


Ông Nguyễn Xuân Tài, Tổng giám đốc NAiSCorp., cho biết: “Lời đề nghị của Google rất hấp dẫn nhưng không phù hợp với những mục tiêu đầu tư của chúng tôi. Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn Việt Nam có thể tạo ra các công nghệ lõi được sở hữu bởi chính người Việt”.


Cô gái trẻ Nguyễn Ngọc Thùy Linh, sau một thời gian làm việc cho nhiều công ty khác nhau, khi tròn 26 tuổi, đã thành lập Công ty Tổ chức sự kiện Think Advertising Creative Events. Luôn thể hiện vẻ tự tin, nhưng giờ đây Linh có vẻ suy tư nhiều hơn khi nhìn vào thế hệ doanh nhân còn rất trẻ như mình: “Doanh nhân trẻ ngày nay rất dễ khởi nghiệp, bởi chúng tôi có lợi thế là dễ dàng nhận diện điều kiện xã hội để tạo lập cho mình một chỗ đứng. Giờ đây tôi nghiệm ra rằng, phải làm sao phát triển lên từ cái cơ bản hơn là tạo một chỗ đứng dễ dàng trong xã hội. Cách đây năm năm, khi còn là sinh viên, chúng tôi nhận thấy có thể nắm bắt rất nhiều cơ hội. Nhưng nay tôi hiểu ra rằng, không chỉ nắm bắt cơ hội mà quan trọng hơn là chúng tôi còn phải biết tạo ra cơ hội cho chính mình và cho những người xung quanh”.


Người trẻ, thành công trẻ


Danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán phần nào khắc họa chân dung những doanh nhân thành đạt ở Việt Nam. Đó là Đoàn Nguyên Đức, Đặng Thành Tâm, Phạm Nhật Vượng hay Trần Đình Long. Số tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng của những doanh nhân này cũng có thể coi như thước đo thành công của một thế hệ doanh nhân mở đường, thoát nghèo và làm giàu.


Nếu như thành công của lớp doanh nhân đàn anh phần nào đã được khẳng định, thì tiêu chí đánh giá mức độ thành công của một doanh nghiệp trẻ là không dễ dàng xây dựng và cũng có thể thay đổi theo thời cuộc. Theo ông Nguyễn Cao Trí, nước ngoài có chuẩn để đánh giá sự thành công của doanh nghiệp một cách cụ thể, nên việc đó khá dễ dàng. Riêng với ông Trí, thành công của doanh nghiệp phải là kinh doanh hiệu quả.


Thành lập công ty được ba năm, mục tiêu mà ông đặt ra lúc đó là phải lọt vào top 15 doanh nghiệp trong ngành bất động sản Việt Nam. Năm 2009, Ben Thanh Land lãi 68 tỷ đồng, giá trị vốn hóa khi niêm yết ra công chúng giờ đây cũng đã đủ sức đưa công ty gia nhập top 15. Nhưng ông Trí cho rằng, cái mà lớp doanh nhân “già hơn một chút” như ông mong muốn là các thế hệ phải tiếp nối nhau để tạo ra những thương hiệu lớn, tạo ra lộ trình cho thế hệ đi sau đừng quá vất vả như mình.


Riêng với Hồ Minh Quân, Giám đốc Công ty cổ phần SX TM & DV Tin học - Xây dựng Nano, thành công của doanh nghiệp là được vay vốn với lãi suất thấp. Nhận định tưởng như đùa này lại hết sức thực tế. Theo Quân, một công ty được xây dựng tốt thì mới vay được vốn tốt. Nhìn nhận sự thành công một cách khá bao quát, Nguyễn Ngọc Thùy Linh cho rằng, thành công tùy thuộc vào từng cách nhìn.


Ra đường thấy sản phẩm của một công ty được tiêu thụ nhiều, thì trong mắt người tiêu dùng có nghĩa là công ty làm ra các sản phẩm đó rất thành công. Còn với cổ đông, hiệu quả kinh doanh mới là trên hết. Với nhân viên, nếu công ty có lợi nhuận cao, nổi tiếng mà họ không được đãi ngộ tương xứng thì không thể nói là công ty đó thành công.


Thùy Linh bộc bạch: “Thời gian gần đây, các doanh nhân trẻ thường nhận được nhiều lời khen, ví dụ như: Thế hệ doanh nhân ngày nay giỏi quá! Tôi nghĩ rằng, nếu chúng tôi không giỏi lên thì đáng bị... đánh đòn, vì thế hệ đi trước gặp quá nhiều khó khăn, từ hậu quả chiến tranh đến cơ chế bó hẹp, mà họ vẫn vượt qua được còn chúng tôi sinh ra trong thời bình, trong điều kiện đất nước phát triển và còn nhận được rất nhiều cơ hội”.


Niềm tự hào thế hệ


Nếu trong lịch sử, cha ông ta tự hào về công cuộc gìn giữ chủ quyền đất nước thì lớp trẻ ngày nay đã xây dựng được gì để đáng tự hào? Nếu các doanh nhân trước đây mày mò tìm cách làm giàu để thoát nghèo thì thế hệ doanh nhân sau này đặt mục đích làm giàu để làm gì?


Câu hỏi này đôi khi khó trả lời đối với một doanh nhân trẻ.


Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức, 46 tuổi, đã tạo dựng được khối tài sản khổng lồ hàng chục nghìn tỷ đồng. Điều đó cho thấy người Việt Nam cũng có thể thành công như những doanh nhân nước ngoài. Lớp thế hệ doanh nhân đi trước như ông Đức ít nhiều tự hào về sự vượt khó để thành công. Chị Nguyễn Thị Minh Châu, Công ty Mio, nhắc nhở: “Đừng đòi hỏi doanh nhân trẻ quá mức. Việc họ tạo ra giá trị thặng dư cho xã hội từ doanh nghiệp của họ đã là rất tốt rồi, điều quan trọng là người tiêu dùng tin vào sản phẩm của họ”.


Anh Đào Ngọc Hoàng Giang, Giám đốc Công ty Thiết bị văn phòng Sao Mai, cho rằng, sự tự hào thực tế nhất mà anh thấy rõ là đã tạo việc làm cho khoảng 200 con người và vẫn đang từng ngày dẫn dắt họ đi cùng hướng với mình, với nhiều nỗ lực và khát khao thay đổi. Theo Giang, phải bắt đầu từ năm 2000 trở đi, thế hệ những người sinh sau 1975 như anh mới chập chững bước vào thương trường và cũng phải tự mò mẫm tìm lối đi. Do đó, doanh nghiệp của anh cũng như các đồng nghiệp trẻ khác mới chỉ xây dựng được những cái cơ bản nhất. Giang tính toán, phải 10 - 20 năm nữa tính từ hôm nay, thế hệ này mới xây dựng được công ty có thương hiệu quốc gia và vươn tới tầm thế giới.


Đồng quan điểm này, Thùy Linh cũng cho rằng, mỗi thế hệ có hoài bão khác nhau, chúng ta không thể đem hoài bão của quá khứ để áp đặt cho hiện tại. Với Linh, được làm cái mà mình yêu thích và thành công ở một chừng mực mà mình cho là khả năng mình tối đa có thể làm chính là hoài bão. Khả năng đó hiện giờ là thành công của cá nhân, hai năm nữa là hợp tác với một số đối tác, mười năm sau là liên kết thành một sức mạnh nào đó trong ngành nghề của mình.


Nếu xu hướng cách đây năm năm là các bạn trẻ đổ xô đi làm cho các công ty nước ngoài, thì bây giờ đang nổi bật xu hướng “khởi nghiệp”: nhiều người làm cho các tập đoàn lớn tách ra lập công ty riêng; nhiều bạn trẻ thế hệ 8x, 9x cũng mạnh dạn lập những mô hình kinh doanh táo bạo... Có thể nói, doanh nhân trẻ thời đại là lớp doanh nhân được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp hơn nên họ được coi là “doanh nhân bằng cấp” - tự tin, dám nghĩ, dám làm, chấp nhận thách thức, sáng tạo và có tầm nhìn dài hạn hơn.


Thế nhưng, anh Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Quản trị và An ninh mạng (Athena), nhìn nhận: “Cái họ thiếu có thể là tinh thần, khát vọng, tính cộng đồng và động lực để tự hào. Họ cần có trách nhiệm trước những tiêu cực và cám dỗ của những biến động xã hội đang diễn ra. Thế hệ chúng tôi cũng phải xây dựng lòng tin và lý tưởng sống”.


Anh Nguyễn Cao Trí cho rằng: “Doanh nghiệp lời mỗi năm vài tỷ đến vài chục tỷ đồng là tốt, nhưng mục tiêu là phải vươn xa hơn nữa. Nhưng thật đáng buồn, có những chủ doanh nghiệp trẻ tiền cũng có, mới chỉ 40 tuổi nhưng đã tính chuyện nghỉ ngơi để câu cá, chơi golf. Nếu anh nghỉ lúc này, có nghĩa là anh chưa làm đúng nghĩa vụ của mình đối với xã hội".


Đào Ngọc Hoàng Giang, Giám đốc Công ty Thiết bị văn phòng Sao Mai:


Không chỉ những doanh nghiệp non trẻ, mà hầu như doanh nghiệp Việt Nam nào cũng thiếu đủ thứ, từ vốn đến con người. Những công ty có ý tưởng tốt, ngành nghề mang lại sự đột phá cần được Chính phủ đầu tư. Sẽ không thể có Google, Yahoo nếu không có các đầu tư đúng mức.

 


Phan Hùng Dũng, Tổng giám đốc Healthy Resort Fiore:


Nhà nước cần tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ví dụ, cần có khảo sát xem doanh nghiệp đang đứng ở vị trí nào, đang thiếu gì, yếu về quản trị, nhân lực hay khó tiếp cận nguồn vốn... để từ đó có chính sách và hành động cụ thể.


 

Nguyễn Ngọc Thùy Linh: Giám đốc Công ty Think Advertising Creative Events:


Kinh doanh những ngành mới, doanh nghiệp trẻ thường rất bối rối, nên cần có những cơ chế cập nhật những sự kiện đang diễn ra. Những quy định dành cho những lĩnh vực mới thường chỉ là những điều kiện về hoạt động kinh doanh, đôi khi chúng tôi cảm thấy những luật định này phần lớn không có định hướng, trong khi chúng tôi rất cần sự định hướng để hoạt động tốt, theo kịp xu hướng của thế giới.

 

 

Hồ Minh Quân, Giám đốc Công ty cổ phần SX TM & DV Tin học - Xây dựng Nano:


Nhà nước cần thành lập cơ quan riêng để lắng nghe, kiểm soát những chính sách đã ban hành có tác động như thế nào đến doanh nghiệp, để có thể cải tiến hoặc sẵn sàng bỏ đi. Ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cũng cần liên kết để phát triển thành hiệp hội lớn, có thể có tiếng nói ảnh hưởng tới chính sách.

 

 

Nguyễn Cao Trí, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Bến Thành:


Giá trị để lại không phải là cái mà anh tạo ra cho anh, mà chắc chắn là những thứ anh đã tạo ra cho người khác.

 



 

Nguyễn Thị Minh Châu, Tổng giám đốc Công ty Mio Communications:


Phải có tiêu chí xây dựng hình ảnh một doanh nghiệp trẻ trung để hướng đội ngũ kế thừa đi theo. Khi xây dựng được hình ảnh đó rồi thì phải quảng bá tạo ra hiệu ứng chung cho xã hội để đội ngũ kế thừa có động lực tiếp bước đội ngũ đi trước.



Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn

THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 2 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8

Kết quả Vòng 2 của kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...

THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 1 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8

Kết quả Vòng 1 của Kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...

THÔNG BÁO ĐÓNG CỔNG ĐĂNG KÝ DỰ TUYỂN

IPL Scholarship cảm ơn các bạn đã quan tâm và đăng ký dự tuyển IPL Scholarship Khóa 8. Hạn chót gửi Hồ sơ dự tuyển...

IPL INFO SESSION - Học "Lãnh đạo Khai phóng" là học gì?

Buổi Info Session này cũng sẽ làm rõ các “Q&A” về IPL Scholarship Khóa 8 đang tuyển sinh. Tại đây, các doanh nhân trẻ...