Tuyển sinh

Tin tức

Phan Văn Chánh và chiến lược tứ trụ

“Công thức tứ trụ đã và đang mang lại hiệu quả kinh doanh tích cực cho Phát Tín Hưng và là kim chỉ nam cho tôi tiếp tục chinh phục những mục tiêu mới cao hơn”, Phan Văn Chánh khẳng định.


Thừa hưởng máu kinh doanh từ mẹ, Phan Văn Chánh khẳng định, con đường đưa anh đến với vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc nhóm Công ty Tư vấn - Đầu tư - Xây dựng và Quản lý dự án Phát Tín Hưng gồm 4 công ty thành viên, là cả một quá trình kéo dài trong hơn 16 năm qua với chiến lược tứ trụ xuyên suốt.


Anh có thể nói gì về chiến lược tứ trụ?


Trước tiên, đây là công thức được tôi đúc kết sau 5 năm học đại học, 5 năm đi làm công và 6 năm làm chủ doanh nghiệp. Nó có thể không thích hợp đối với các doanh nhân khác. Nhưng công thức tứ trụ đã và đang mang lại hiệu quả kinh doanh tích cực cho Công ty với tỉ lệ thành công gần 90% và là kim chỉ nam cho tôi tiếp tục chinh phục những mục tiêu mới cao hơn.


Vậy thứ tự quan trọng của 4 trụ này được sắp xếp như thế nào?


Đó chính là định hướng chính xác (50%), am hiểu chuyên môn (30%), giao tiếp - PR có hiệu quả (15%) và nắm bắt cơ hội kịp thời (5%).


Tại sao lại có thứ tự này?


Từ năm 1994, sau khi trở thành sinh viên của cùng lúc 2 trường là Đại học Bách khoa TP.HCM và Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức, tôi đã nắm bắt được tầm quan trọng của ngành tư vấn đầu tư xây dựng và quản lý dự án, đặc biệt là các dự án nhà cao tầng của một đô thị có kết cấu hạ tầng phát triển tại Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản. Và đây cũng là con đường mà Việt Nam có thể hướng tới. Vì vậy, tôi xác định ngay từ đầu là phải hướng chiến lược kinh doanh của mình vào lĩnh vực này. Đây cũng là chuyên môn mà tôi được đào tạo chính quy.


Thế còn 3 trụ kia?


Nắm vững chuyên môn sẽ giúp doanh nhân thấu hiểu được mọi ngóc ngách của thương trường. Qua đó có thể giúp tăng tối đa lợi nhuận, đồng thời giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp. Vì vậy, tôi dành 30% cho trụ thứ 2 là am hiểu chuyên môn. Để xây trụ này, tôi đã kết hợp kiến thức học được từ đại học với kinh nghiệm thực tế sau khi ra trường trong vai trò giám sát công trình của các công ty như Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 - Cofico (2000-2002), Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng (2002-2004) và Liên doanh Xây dựng và Cơ điện MEI của Singapore (2004-2005).


Trụ 3 và 4 được tôi dần ngộ ra trong quá trình dấn sâu vào thương trường và được khẳng định vào thời điểm tôi chuẩn bị cho giai đoạn ra riêng vào năm 2005.


Tại sao anh lại chọn năm 2005 để ra riêng?


Năm đó là thời điểm chín muồi của ngành tư vấn đầu tư xây dựng và quản lý dự án nhà cao tầng khi nhu cầu từ thị trường tăng cao, các chủ đầu tư càng trở nên khắt khe hơn trong việc lựa chọn các công ty quản lý dự án có năng lực. Vì vậy, tôi quyết định phải lập nghiệp bằng việc thành lập Công ty Tư vấn Đầu tư Xây dựng Vạn Phúc Gia với số vốn khiêm tốn ban đầu và sự hợp tác của một số người bạn trong ngành cùng một chút máu liều của chàng thanh niên 29 tuổi.


Nhưng chiến lược tứ trụ của anh nghe có vẻ khá quen thuộc đối với hầu hết các nhà điều hành doanh nghiệp. Vậy đâu là sự khác biệt của anh?


Chiến lược giao tiếp và PR có hiệu quả chính là sự khác biệt so với các nhà điều hành khác.


Dự án thắng thầu nào của anh mang đậm dấu ấn của chiến lược này?


Đó là sự kiện thắng thầu hợp đồng (trị giá 5 tỉ đồng) về quản lý và giám sát dự án Chung cư Thọ Nam San rộng 8.000 m2 tại quận 12, TP.HCM vào năm 2008. Dự án có tổng vốn đầu tư lên đến hơn 400 tỉ đồng.


Quá trình đấu thầu dự án này có kịch tính gì và nhờ đâu anh giành được phần thắng?


Ở vòng đầu có đến 5 nhà thầu tham gia và 4 đối thủ kia đều khá nặng ký về kinh nghiệm cũng như năng lực đấu thầu. Sang vòng 2 chỉ còn lại 3 và cuối cùng chủ đầu tư đã chọn Phát Tín Hưng. Có được điều đó cũng là nhờ khả năng thuyết phục để tạo được niềm tin từ khách hàng, phong cách giao tiếp, kỹ năng tư vấn.


Tuy nhiên, quan trọng hơn hết là tôi đã nêu rõ được các vướng mắc dự kiến và cách tháo gỡ trong suốt quá trình triển khai dự án. Chẳng hạn như việc có thể phát sinh sự cố dưới mặt đất (nền, móng), tiến độ giải ngân từ ngân hàng chậm, thậm chí cả những mâu thuẫn giữa các nhà thầu.


Phát Tín Hưng đã trụ được trong năm khủng hoảng 2009 như thế nào từ chiến lược tứ trụ này?


Đây là năm đầy thử thách đối với chúng tôi vì hầu hết các dự án lớn đều trong tình trạng ngưng thi công do bị cắt giảm kinh phí. Tuy nhiên, để có thể đảm bảo cho mục tiêu kinh doanh trong năm về doanh số cũng như hạn chế việc sa thải nhân viên, tôi đã vận dụng tối đa chiến lược này trong việc đánh lẻ các dự án có quy mô nhỏ hơn về vốn ở TP.HCM (10-50 tỉ đồng/dự án). Đó là các dự án nhà hàng tiệc cưới Gallery, khách sạn 580-582 Nguyễn Trãi, cao ốc văn phòng 406 Nguyễn Công Trứ, Nhà hàng Ốc Việt…


Anh đánh giá như thế nào về cơ hội kinh doanh trong năm 2010?


Theo tôi, tình hình kinh tế đã dần được cải thiện. Tuy nhiên, thử thách trong năm 2010 vẫn còn nhiều. Một trong những vấn đề sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của Công ty chính là các chủ đầu tư có thể sẽ vướng vào tình trạng chậm giải ngân vốn cho dự án do nguồn vốn vay từ ngân hàng bị áp lãi suất cao và chính sách siết chặt tín dụng của Chính phủ.


Vậy kế hoạch kinh doanh cụ thể của Phát Tín Hưng trong năm nay là gì?


Trước hết là kế hoạch giảm lãi đến 10% trên mỗi dự án. Tiếp đến, từ quý II năm nay, chúng tôi sẽ tập trung vào phân khúc các dự án có vốn lớn trên 100 tỉ đồng. Đó là khu nhà ở tại Vũng Tàu (400 tỉ đồng), Chung cư Saigon - Ruby (135 tỉ đồng), Cao ốc văn phòng - khách sạn 5 sao trên đường Điện Biên Phủ, TP.HCM (15 triệu USD) và một khách sạn 3 sao ở Đà Nẵng (5 triệu USD).


Kế hoạch thứ 3 là ra mắt trang web về doanh nhân Việt Nam, dự kiến vào tháng 12.2010. Mục tiêu của trang web là kết nối quan hệ kinh doanh giữa các đối tác trong và ngoài nước. Sau cùng là việc mở chi nhánh Công ty tại Paris (Pháp) dự kiến vào tháng 9.2010 để khởi động kế hoạch xuất nhập khẩu các trang thiết bị nội thất giữa Việt Nam và các nước châu Âu từ quý IV/2010.


Với vai trò là Ủy viên Ban chấp hành Câu lạc bộ Doanh nhân Đất Việt gồm 700 thành viên trong cả nước, anh có chia sẻ gì với các doanh nhân khác?


Đối với các doanh nhân trong độ tuổi từ 30-40, đây thực sự là thời kỳ sung mãn nhất về mọi mặt để có thể bứt phá, tạo nên những bước ngoặt lớn trong sự nghiệp. Doanh nhân Việt Nam nói chung cũng cần tiếp tục củng cố và hợp tác với nhau để có thể tận dụng các cơ hội kinh doanh trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.


Vĩnh Bảo

Nguồn:  Nhịp cầu Đầu tư

THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 2 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8

Kết quả Vòng 2 của kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...

THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 1 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8

Kết quả Vòng 1 của Kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...

THÔNG BÁO ĐÓNG CỔNG ĐĂNG KÝ DỰ TUYỂN

IPL Scholarship cảm ơn các bạn đã quan tâm và đăng ký dự tuyển IPL Scholarship Khóa 8. Hạn chót gửi Hồ sơ dự tuyển...

IPL INFO SESSION - Học "Lãnh đạo Khai phóng" là học gì?

Buổi Info Session này cũng sẽ làm rõ các “Q&A” về IPL Scholarship Khóa 8 đang tuyển sinh. Tại đây, các doanh nhân trẻ...