Tuyển sinh

Tin tức

Phan Đức Bình: Cần thức tỉnh lòng tự tôn của người Việt

Phan Đức Bình - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc ANCO GROUP đã nói như vậy khi tôi có dịp trò chuyện với anh cách đây ít lâu. Hơn mười năm lăn lộn trên thương trường với những vị trí quan trọng tại Coca-Cola Việt Nam, Nestle, Unilever... anh trở về và tạo nên dấu ấn đặc biệt với một thương hiệu “thuần việt”.


Bài học về bản lĩnh




Người ta nói về anh với rất nhiều điều được cho là “không tưởng”, nhất là việc chỉ sau một năm gia nhập Coca-Cola, anh đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc kinh doanh khu vực miền Bắc và miền Trung. Có một bí quyết nào chăng?


(Cười)! Thực ra, tôi cũng xuất thân từ nông thôn như rất nhiều sinh viên khác. Hồi ấy, tôi cũng làm thêm bằng việc đi gia sư tiếng Anh, rồi mở quán cơm bình dân. Vì cái hoàn cảnh khó khăn ấy nên chẳng riêng gì tôi mà đa số bạn bè cùng trang lứa đều muốn làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài để nhận được đồng lương tốt hơn so với làm cho các công ty nội địa.


Tôi chẳng dám nhận mình có bí quyết gì, chỉ biết rằng tôi đã có quãng thời gian làm việc gần 14 tiếng mỗi ngày. Môi trường làm việc tại Coca-Cola quá khắc nghiệt, nó khiến tất cả những ai muốn tồn tại đều phải căng sức làm với hơn 100% khả năng của mình.


Nhưng có cạnh tranh thì mới có tồn tại và phát triển…


Đúng như vậy! Sự nghiệp của bạn chẳng thể có được cái gì ra hồn nếu không tranh đấu, trừ khi bạn là con vua (cười). Nói vui vậy thôi chứ thực ra tôi nghĩ là cuộc sống chỉ thực sự thú vị khi mà chúng ta sẵn sàng đối diện và vượt qua thử thách. Tôi không thích một công việc quá êm đềm, không có tính cạnh tranh cao.


Cái khốc liệt anh vừa nói có xảy ra trên toàn hệ thống của Coca-Cola?


Nói cho đúng thì Coca-Cola là một công ty của những người rất giỏi. Coca-Cola trên toàn thế giới đều cạnh tranh rất ghê gớm, nhưng ở Việt Nam thì nó được đẩy đến mức tàn khốc, vì cái tham vọng được làm lãnh đạo. Coca-Cola giúp tôi tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm và tạo nên tính quyết đoán mạnh mẽ, thậm chí tạo ra thói quen mỗi khi làm việc là lên tinh thần chiến đấu chẳng khác nào một chiến binh.


Vậy, suy cho cùng thì môi trường khắc nghiệt cũng tốt đấy chứ, nó không chỉ tốt cho doanh nghiệp mà còn cho chính những cá nhân đang làm việc ở đó. Anh có muốn môi trường làm việc của ANCO cũng như vậy?


Tại ANCO, chúng tôi đang có nhiều nhân tài, đa số họ đã từng làm việc tại các công ty nước ngoài và vì thế họ đã quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp. Tôi khuyến khích tinh thần cạnh tranh trong ANCO, nhưng chỉ được phép làm những gì là đúng thì mới thành công.


Có thể nói rằng, anh là số ít người Việt Nam rất thành công tại Coca-Cola và cũng tạo nên bất ngờ lớn khi chia tay thương hiệu đó…


Tôi đã có hơn 8 năm làm việc tại Cocacola Việt Nam và đảm nhiệm gần 10 vị trí quản lý khác nhau, chừng đó giúp tôi xây dựng được bản lĩnh - tầm nhìn. Thế nhưng cuối cùng, tôi vẫn quyết định chuyển sang Nestle - một môi trường hoàn toàn mới, để có thêm điều kiện học hỏi và thử sức mình.


Sau đó, tôi nhận lời về làm việc tại Nestle - 20 tháng miệt mài, thành công trong việc vực dậy doanh số bán hàng, tôi lại sang Unilever, do quy mô của thương hiệu này lớn hơn Nestle tới 5 lần nếu tính ở thời điểm đó.


Nhưng vì sao anh lại chia tay Unilever, trong khi có quá nhiều người mong muốn được “rơi” vào vị trí ấy?


Lúc ở Unilever, tôi đảm nhiệm vị trí Giám đốc miền Bắc, phụ trách kênh bán hàng truyền thống. Tôi đã rất may mắn được làm việc và trở thành bạn thân của Marijn Van Tiggelen - Chủ tịch Unilever Việt Nam. Anh ấy giống như là một huấn luyện viên cho cuộc đời của tôi. Cũng chính vì thân nhau, nên một phần nào đó tôi tiếp nhận sự ảnh hưởng về tư tưởng của Marijn Van Tiggelen - dẫn tới việc tôi rời Unilever để thành lập ANCO. Phải nói thật rằng, tôi đã đấu tranh tư tưởng khủng khiếp khi quyết định rời Unilever, nhưng muốn thành công thì phải biết làm mới mình. Lúc đó, tôi muốn tự mình gây dựng nên một công ty mà ở đó tư tưởng hành động đều là hiện đại mang tầm thế giới, nhưng vẫn giữ được chất Việt.


Cái chất Việt mà anh nói cần được hiểu thế nào cho đúng?


Đó là công ty của người Việt Nam tạo dựng, có môi trường làm việc chuyên nghiệp mang đẳng cấp quốc tế, nhưng vẫn gìn giữ bản sắc văn hóa Việt, chứ không bị trộn lẫn với bất cứ nền văn hóa nào trên thế giới.


Bí ẩn chiếc chìa khóa vạn năng cho doanh nghiệp




Chúng ta đã gia nhập WTO từ cuối năm 2006, anh đánh giá thế nào về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và những cọ sát sắp tới?


Thực ra việc nước ta vào sân chơi WTO là một bước đi tất yếu, ở đó doanh nghiệp có điều kiện phát triển tốt hơn, nhưng cũng phải đối diện với nhiều thách thức. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa và rất cần hợp sức để tạo thành mối liên kết chặt chẽ, nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp ở các ngành.


Ngoài ra, có một điều hết sức quan trọng đó là phải phát huy được “tinh thần tự tôn dân tộc” của người Việt Nam - đó là chiếc chìa khóa vạn năng mở ra thành công cho các doanh nghiệp nội địa. Vừa qua, Bộ Chính trị đã phát động phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, đó là một hoạt động hết sức có ý nghĩa và rất cần thiết cho doanh nghiệp của nước ta.


Nếu tới Hàn Quốc, bạn sẽ thấy lòng tự tôn dân tộc của họ cao tới mức nào, điều đó được thể hiện bằng việc họ sử dụng xe của các hãng nội địa, đồ gia dụng, cho tới những gì lặt vặt cũng chủ yếu là hàng của chính nước này sản xuất. Đây là một thị trường rất lớn ở châu Á, xét cả về quy mô lẫn tốc độ phát triển và tất nhiên nó là sự thèm muốn của rất nhiều tập đoàn lớn trên toàn cầu. Tuy nhiên, đã nhiều năm trôi qua, các tập đoàn đa quốc gia, những thương hiệu vốn đã nổi tiếng khắp thế giới cũng không có cách nào “đánh chiếm” được thị trường Hàn Quốc.


Nhưng xét một cách công bằng thì rất nhiều hàng hóa ngoại nhập lại có chất lượng vượt trội so với người Việt Nam…


Tất nhiên là nếu so sánh đến từng chi tiết thì chúng ta sẽ có điểm yếu và đối thủ cũng vậy thôi, nhưng hiện nay Việt Nam cũng đã có nhiều hàng hóa chất lượng tốt được xuất khẩu đấy chứ. Sự cố gắng suốt nhiều năm qua đã mang lại những kết quả rất đáng khích lệ với hệ thống doanh nghiệp của nước ta.


Tôi thì lại nghĩ điều anh nói về sản phẩm của doanh nghiệp Việt thì chỉ đúng một khía cạnh nào đó, vì chúng ta mới chỉ sản xuất hàng đại trà là chính, còn hàng chất lượng cao thì rất ít…


Tôi nghĩ ít nhất ở thời điểm hiện tại sản phẩm của doanh nghiệp Việt cũng đủ đáp ứng nhu cầu thực tế của đa số người dân rồi, còn với một bộ phận nhỏ thực sự giàu có thì đôi khi họ tiêu tiền thoáng hơn, vì vậy họ có những lựa chọn “đặc biệt”. Hơn nữa, với tốc độ phát triển hiện nay, tôi tin là doanh nghiệp Việt đủ sức làm hài lòng cư dân nhiều quốc gia phát triển chứ không riêng gì thị trường nội địa, nhưng điều đó thì cần có thời gian, ví như con người ta cũng vậy, sinh ra thì bé tí tẹo, rồi qua năm tháng chúng ta trưởng thành, chỉ có Thánh Gióng là khác biệt (cười).


Nhưng còn một nỗi lo khác, sự phát triển của bất kỳ doanh nghiệp đều cần có những cá nhân tài năng, mà chuyện lương bổng thì doanh nghiệp của Việt Nam rất khó cạnh tranh với các công ty nước ngoài?


Tôi không nghĩ vậy, tất nhiên đó là một phần của thực tế hiện nay. Vấn đề chính là ở tư duy của người đứng đầu doanh nghiệp, nếu họ đánh giá đúng mức khả năng của những tài năng người Việt, chắc chắn họ sẽ giữ được người tài.


Tôi và rất nhiều người bạn, trong đó có cả những nhân sự hiện nay ở ANCO đã nhiều năm làm cho các tập đoàn đa quốc gia, nhưng sau cùng thì tâm lý chung của chúng tôi là muốn hướng nội, để tạo nên một cái gì đó mang bản sắc Việt - không chỉ đơn thuần để duy trì sự tồn tại của một doanh nghiệp, mà phải đưa nó vươn ra châu lục, là một trong những hình ảnh đáng tự hào của người Việt Nam.


Sẽ rất khó đấy thưa anh, nhất là với tiềm lực hiện nay của các doanh nghiệp Việt…


Tôi nghĩ ít nhất chúng ta phải nghĩ tới điều đó, nếu còn tránh né nó thì sẽ rất lâu nữa may ra doanh nghiệp Việt Nam mới theo kịp với bạn bè quốc tế. Nếu các doanh nghiệp hoạt động ở các ngành của Việt Nam tìm được tiếng nói chung, chúng ta sẽ tạo ra một sức mạnh đáng kể trước sự đổ bộ của các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng trong trường hợp chia nhỏ lực lượng thì rất có thể sẽ thất bại.


Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!


Ngọc Quang (thực hiện)

Nguồn: VietchinaBusiness

THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 2 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8

Kết quả Vòng 2 của kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...

THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 1 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8

Kết quả Vòng 1 của Kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...

THÔNG BÁO ĐÓNG CỔNG ĐĂNG KÝ DỰ TUYỂN

IPL Scholarship cảm ơn các bạn đã quan tâm và đăng ký dự tuyển IPL Scholarship Khóa 8. Hạn chót gửi Hồ sơ dự tuyển...

IPL INFO SESSION - Học "Lãnh đạo Khai phóng" là học gì?

Buổi Info Session này cũng sẽ làm rõ các “Q&A” về IPL Scholarship Khóa 8 đang tuyển sinh. Tại đây, các doanh nhân trẻ...