Nhìn lại tư tưởng Keynes
Vào thập niên 1930, nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes đã mở đầu cuộc cách mạng về tư duy kinh tế bằng nhận định: Thị trường tự do không hoàn hảo. Và chính bởi sự không hoàn hảo này mà vai trò của nhà nước là phải can thiệp và khắc phục theo một cách nào đó.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua đã làm sống lại tư tưởng Keynes - đặc biệt là quan niệm cho rằng chính phủ nên chi tiêu mạnh tay nhằm thoát khỏi khủng hoảng. Nhưng trước cuộc khủng hoảng nợ tồi tệ đang diễn ra ở châu Âu, đã đến lúc chúng ta cần hiểu tư tưởng Keynes đã sai chỗ nào? Hay liệu lãnh đạo các nước châu Âu đã hiểu sai lời dạy của ông? Và khi hệ thống tài chính toàn cầu ngày càng phức hợp như hiện nay, liệu tư tưởng của Keynes đã lỗi thời? Các lãnh đạo kinh tế cũng đang đặt lại vấn đề - thậm chí trong một số trường hợp còn tỏ ra hoài nghi - về triết lý của Keynes vốn cho rằng trong bối cảnh kinh tế suy thoái, chi tiêu càng nhiều thì càng tốt. Trong một cuộc họp diễn ra ở Hàn Quốc hồi đầu thán trước, nhóm 20 bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhận thức rõ tình trạng đáng báo động của hệ thống tài chính công ở một số quốc gia và quyết định không thể tiếp tục duy trì chính sách kích thích tài chính cho đến khi kinh tế phục hồi. Đây là một bước ngoặc thực sự khi mà mới hai tháng trước thôi, các nhà lãnh đạo G20 còn ủng hộ việc duy trì chính sách tài khóa mở rộng cho đến khi các nền kinh tế khởi sắc hơn.
Những chính phủ lạm phát
Tuy nhiên, chi tiêu công quá đà là một giải pháp không bền vững khi hệ thống tài chính của nhiều nước châu Âu như Bồ Đào Nha, Ý, Ai-len, Hy Lạp, Tây Ban Nha - và nhiều khả năng có thêm Hungary - đang lung lay. Dù châu Âu vừa đưa ra gói cứu trợ gần 1 nghìn tỷ USD để cứu Hy Lạp nhưng các nhà đầu tư trên toàn thế giới có quyền lo lắng không biết khu vực này có vượt qua cuộc khủng hoảng nợ và tránh được kết cục phá sản hay không. Không phải chỉ có châu Âu mới hoảng sợ khi nhìn vào hệ thống tài chính công của mình. Theo số liệu công bố hồi đầu tháng, các khoản chi tiêu công ồ ạt của chính phủ Mỹ đã đẩy số nợ mà nước này phải gánh lên đến 13 nghìn tỷ USD, tức khoảng 90% GDP. Dù đã chi 787 tỷ USD nhằm kích thích kinh tế nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn loay hoay quanh mức 10%. Chính những điều này đã nêu bật hạn chế của một trong những quan điểm cốt lõi của Keynes - chi tiêu của chính phủ nhằm kích thích kinh tế sẽ mang lại hiệu quả. Nhưng như chúng ta đã thấy, không phải lúc nào một chính phủ chi tiêu nhiều hơn cũng thu được nhiều thuế hơn cho ngân sách. "Bạn không thể giải quyết vấn đề chỉ bằng cách chi tiêu nhiều hơn và ôm lấy các khoản nợ xấu", dẫn lời Hunter Lewis, tác giả quyển sách Where Keynes Went Wrong: And Why World Governments Keep Creating Inflation, Bubbles, and Busts (tạm dịch: Sai lầm của Keynes: Và vì sao chính phủ các nước lại tiếp tục sinh ra lạm phát, bong bóng và vỡ nợ). Từ lâu, Keynes là nguồn gốc gây tranh cãi giữa các nhà kinh tế học và nhiều học giả khác. Trường phái kinh tế học Keynes được xem là hình mẫu từ thời Đại Suy Thoái, Đệ Nhị Thế Chiến và trong suốt quá trình mở rộng kinh tế thời hậu chiến. Ảnh hưởng của trường phái này suy giảm phần nào trong thập niên 1970, khi tỷ lệ lạm phát lẫn thất nghiệp ở mức cao ngất ngưỡng. Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới vẫn xem trường phái kinh tế Keynes là nền tảng cho các chương trình kích thích kinh tế của mình. Chi tiêu để kích thích việc làm
Giáo sư kinh tế chính trị Allan Meltzer của Đại học Carnegie Mellon cho rằng học thuyết của kinh tế gia đáng kính, Keynes, thường bị hiểu sai. Đơn cử một trường hợp, Keynes không phải là người hô hào cổ xúy hình thức nợ cấu trúc dài hạn. Ông cho rằng chỉ nên duy trì nợ chính phủ trong ngắn hạn và xem nó như một phương pháp kích thích kinh tế. Hơn nữa, hiện nay nhiều chính phủ đã mắc sai lầm trong việc áp dụng học thuyết kinh tế Keynes khi tập trung chi tiêu cho tiêu dùng thay vì đầu tư, hoạt động có thể khuyến khích tăng trưởng việc làm ổn định. Phân tích trường hợp của châu Âu. Từ thập niên 1980, khu vực này tăng trưởng chậm hơn Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp ở Châu Âu dao động từ 8% đến 10% trong khi con số này ở Mỹ vào khoảng 4%. Trong bài trả lời phỏng vấn với tạp chí Fortune vào tháng Hai về việc chính phủ Obama đã hiểu sai Keynes như thế nào, Meltzer nhận xét: "Họ không tạo ra nhiều việc làm - vì sao ư? Vì họ không chi tiêu đúng chỗ". Ngoài chức năng kích thích tiêu dùng, các khoản chi tiêu công ở châu Âu còn được ưu tiên cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe và các hoạt động khác hữu ích hơn. Không thể phủ nhận tài năng của Keynes và ông luôn được xem là một huyền thoại. Với nhiều nhà kinh tế và hoạch định chính sách đáng kính, những triết lý ông đưa ra về cách thức vận hành của nền kinh tế là hoàn toàn chuẩn xác. Nhưng xét trên nhiều phương diện, khi tính phức hợp của hệ thống tài chính toàn cầu ngày càng gia tăng, liệu những lời giải mà Keynes đưa ra cách nay nhiều thập kỷ có còn đúng nữa hay không là điều đáng để chúng ta suy ngẫm. Tác động từ kỳ vọng của con người về tương lai, kể cả quy mô nợ, có ảnh hưởng ngày càng to lớn đối với thị trường, là điều mà Keynes chưa tính đến. Và khi thị trường trở nên phức hợp hơn thì người ta càng khó dự đoán nó hơn. "Keynes quá thông thái và ông không thể mắc sai lầm được - vấn đề nằm ở chỗ chúng ta đang sống trong một môi trường khác", dẫn lời nhận xét của Nassim Taleb, tác giả quyển The Black Swan (Thiên Nga đen), quyển sách bàn về những tác động của các biến cố tưởng chừng như không thể xảy ra. Taleb nhấn mạnh rằng với tỷ lệ nợ cao và nguy hiểm như ở nhiều nước châu Âu và Mỹ, việc dự báo chính xác dựa vào các công cụ như tỷ lệ thất nghiệp sẽ có ý nghĩa quyết định hơn bao giờ hết. Nhưng các dự báo thường sai, và chính vì thế, khó có thể tiếp tục theo đuổi trường phái kinh tế học Keynes trong nền kinh tế hiện đại ngày nay. - Bài viết của Nin-Hai Tseng (Fortune) trên HBS in the News - Hoàng Trung dịch Nguồn: Tuần Việt Nam
THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 2 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8
Kết quả Vòng 2 của kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...
THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 1 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8
Kết quả Vòng 1 của Kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...
THÔNG BÁO ĐÓNG CỔNG ĐĂNG KÝ DỰ TUYỂN
IPL Scholarship cảm ơn các bạn đã quan tâm và đăng ký dự tuyển IPL Scholarship Khóa 8. Hạn chót gửi Hồ sơ dự tuyển...
IPL INFO SESSION - Học "Lãnh đạo Khai phóng" là học gì?
Buổi Info Session này cũng sẽ làm rõ các “Q&A” về IPL Scholarship Khóa 8 đang tuyển sinh. Tại đây, các doanh nhân trẻ...