Tuyển sinh

Tin tức

"Suy nghĩ là cần thiết nhưng hành động quan trọng hơn”

Giữ chức vụ Phó TGĐ của Tập đoàn Bất động sản Thế kỷ (Cen Group), nhưng người ta biết đến Phạm Thanh Hưng nhiều hơn trong vai trò Tổng Giám đốc điều hành Công ty CP Truyền thông và Giải trí Ngôi sao mới và Công ty CP Thẩm định giá Thế Kỷ (2 trong số 7 công ty thành viên của Cen Group). Năng động, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm đã đem lại cho ông nhiều vinh quang, trở thành doanh nhân thành đạt được xã hội ghi nhận. Từ những kinh nghiệm bản thân, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn CEN GROUP Phạm Thanh Hưng đã có những chia sẻ thú vị với phóng viên Cổng tri thức Thánh Gióng về con đường khởi nghiệp của mình…

Ông có thể chia sẻ với các bạn trẻ về quá trình lập nghiệp của mình?

Ông Phạm Thanh Hưng: Về quá trình lập nghiệp đối với tôi thì khó để nói về một cái gì cụ thể. Tôi đã từng làm qua rất nhiều công ty với một số lĩnh vực khác nhau. Ở mỗi môi trường làm việc thì tôi luôn xác định rằng: “Thành công của cá nhân mình luôn luôn gắn liền với thành công của doanh nghiệp”.

Khi mới ra trường tôi vào làm cho 2-3 công ty nước ngoài trong đó có Toyota và Ford. Sau đó tôi làm việc ở Bộ Khoa học công nghệ và môi trường. Rồi từ nhà nước tôi chọn con đường làm cho tư nhân. Và cho đến lúc này, CEN GROUP có lẽ là con đường tôi sẽ đi xa cùng với nó. 

Trong quá trình làm việc thông thường người ta sẽ đi qua các mức: người làm thuê, rồi làm cho chính mình và cuối cùng là người khác làm cho mình. Khi đến mức người khác làm cho mình có nghĩa bạn đã là chủ doanh nghiệp.

 
Ông Phạm Thanh Hưng - P.TGĐ Tập đoàn CEN GROUP  

Không phải bạn trẻ nào cũng xây dựng được chỗ đứng của mình tại doanh nghiệp hay không phải ai cũng thành công khi quản lý doanh nghiệp của mình. Cá nhân ông đã trải qua điều này như thế nào?

Ông Phạm Thanh Hưng: Nếu bạn làm trong một doanh nghiệp, trước hết bạn phải xác định được rằng vai trò của mình sẽ làm được gì và đóng góp được gì để doanh nghiệp phát triển. Đây chính là cái khẳng định vị thế và chỗ đứng của mình trong doanh nghiệp đó. Cũng như khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường. Nếu đi làm mà chỉ nghĩ đơn giản rằng: Người ta trả cho mình bao nhiêu tiền, môi trường công ty này có phát triển, có tương lai không thì thực sự làm việc sẽ rất nản. Vì nhiều công ty ban đầu mới khởi nghiệp rất khó khăn, khi vượt qua được giai đoạn đó họ đã phát triển rất mạnh.

Khi tôi về Cen group thì tập đoàn mới chỉ có 1, 2 công ty đầu tiên, còn hiện giờ tập đoàn đã có 7 công ty thành viên. Tôi hiện đang điều hành 2 trong số 7 công ty đó. Mỗi một công ty khi mới thành lập thì như một đứa trẻ mới sinh. 2-3 năm đầu là khoảng thời gian khó khăn nhất. Mặc dù mình có tiền tích lũy, có nguồn vốn nhưng những sự chuẩn bị đó hết rất nhanh. Thường là khoảng 70% doanh nghiệp bị phá sản sau 2 năm đầu thành lập. Sau 2-3 năm đầu tiên người ta mới nói là doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn sóng gió, khoảng 4-5 năm là ổn định, sau đó mới là tăng trưởng.

Hiện nay, nhảy việc đã trở thành xu hướng phổ biến, nhất là đối với lực lượng lao động trẻ. Ông nghĩ sao về xu hướng này?

Ông Phạm Thanh Hưng: Theo tôi thì làm gì mình cũng phải chủ động, mình phải có mục đích chứ không theo trào lưu và cũng không bị cưỡng ép phải chuyển việc. Tức là mình không làm việc đó một cách bị động. Nhiều người chuyển việc nhiều đơn giản là họ không được chấp nhận tại nơi làm việc đó hoặc là vì họ không  nhìn thấy được tương lai của mình ở nơi đó. Việc đó khác với những người chuyển việc có kế hoạch và ở thế chủ động. Họ là những người chủ động trong con đường lập nghiệp của mình.

Thưa ông, lý do gì mà Tập đoàn Cen Group lại đồng hành cùng chương trình Đào tạo Khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp cho thanh niên?

Ông Phạm Thanh Hưng: Từ trước đến nay chúng tôi luôn khuyến khích những chương trình hỗ trợ các bạn học sinh sinh viên, tham gia các chương trình khuyến học, phong trào thanh niên tình nguyện, hỗ trợ các phong trào thanh niên lập nghiệp,… CEN GROUP nghĩ đơn giản rằng nền kinh tế sẽ phát triển nếu có nhiều doanh nghiệp phát triển. Và những doanh nghiệp phát triển này sẽ mạnh hơn nếu nhiều người có ý tưởng, có ham muốn làm doanh nhân. Tất nhiên, mỗi người có con đường đi riêng của mình, nhưng tôi thấy thất vọng nếu như các bạn trẻ ra trường chỉ cậy nhờ quen biết để cố vào cơ quan nhà nước. Mà trong khi thực tế họ lại không có ý tưởng, tiêu chí cụ thể gì cho công việc của mình. Nhiều bạn trẻ cho rằng vào cơ quan nhà nước mới là đi làm việc, còn làm doanh nghiệp bên ngoài lại có vẻ như chưa có việc làm.   

Tôi rất thích và ủng hộ với các bạn có ý tưởng lập nghiệp bắt đầu bắt đầu từ những việc làm rất nhỏ. Đó là những ý tưởng thú vị và đấy chính là những bước đầu tiên để họ trở thành những doanh nghiệp thành đạt sau này. Tôi ủng hộ những người dám nghĩ, dám làm.

Là một người đi trước, cũng có những thời điểm từng gặp nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng doanh nghiệp. Ông có chia sẻ gì với các bạn trẻ trong những thời điểm như thế?

Ông Phạm Thanh Hưng: Tôi đã từng mở một công ty, đã đầu tư gần như tất cả vốn, ý tưởng vào đó nhưng cuối cùng công ty đã bị phá sản. Song tôi nghĩ, người thành công là người thất bại nhiều lần nhưng số lần thất bại ít hơn số lần tạo dựng.

Thất bại trong kinh doanh thì không ai có thể tránh khỏi. Đặc biệt là các bạn trẻ mới khởi nghiệp. Những lúc như thế hãy bình tĩnh một chút. Đây chính là lúc dễ sai lầm nhất, đây là lúc bạn sẵn sàng làm mọi việc bất chấp hậu quả. Cách xử lý lúc đó vô tình có thể làm cho thất bại của bạn trở nên tồi tệ hơn. Các bạn hãy bình tĩnh và đừng vì sĩ diện của bản thân mà dấu thất bại. Hãy chia sẻ với những người có kinh nghiệm, thậm chí với những người thành công hơn mình. Tôi nghĩ là sẽ tìm được tiếng nói chung và sẽ tìm ra cách giải quyết vấn đề tốt nhất.

Ông có lời khuyên gì đến các bạn trẻ đang muốn khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp?

Ông Phạm Thanh Hưng:  “Suy nghĩ cân nhắc, thận trọng là cần thiết nhưng hành động là quan trọng hơn”.

Nếu bạn không suy nghĩ, không cân nhắc gì cả mà cứ lao đi thì bạn sẽ gặp ngay thất bại, nhưng nếu bạn suy nghĩ, cân nhắc nhiều quá như thực tế hiện nay rất nhiều bạn trẻ muốn có cảm giác an toàn, luôn luôn sợ thất bại, sợ thay đổi, sự vất vả,... Cái tâm lý sợ đó sẽ lấn át toàn bộ hành động, ý chí. Đấy chính là một phần lý do vì sao các bạn trẻ bị áp lực trong cuộc sống thường thành công trong tương lai.

Huyền Trang

Nguồn: Cổng Thánh Gióng

THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 2 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8

Kết quả Vòng 2 của kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...

THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 1 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8

Kết quả Vòng 1 của Kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...

THÔNG BÁO ĐÓNG CỔNG ĐĂNG KÝ DỰ TUYỂN

IPL Scholarship cảm ơn các bạn đã quan tâm và đăng ký dự tuyển IPL Scholarship Khóa 8. Hạn chót gửi Hồ sơ dự tuyển...

IPL INFO SESSION - Học "Lãnh đạo Khai phóng" là học gì?

Buổi Info Session này cũng sẽ làm rõ các “Q&A” về IPL Scholarship Khóa 8 đang tuyển sinh. Tại đây, các doanh nhân trẻ...