Trần Đào Anh: Tôi sẽ làm tốt vai trò dọn đường
Bài học rút ra từ sai lầm “có mới nới cũ” đã giúp Tổng Giám đốc Trần Đào Anh vực DigiNet đứng dậy sau cơn khủng hoảng.
Ông Trần Đào Anh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn DigiNet. | |
Sau 5 năm hoạt động, năm 2001, Công ty DigiNet (sau đổi thành Tập đoàn DigiNet) được Tuần báo Asiaweek bình chọn là 1 trong 25 công ty công nghệ triển vọng của châu Á. Tuy nhiên, cho đến nay, doanh số vào thời điểm huy hoàng nhất của DigiNet cũng chỉ đạt 2,4 triệu USD (năm 2007). Ông Trần Đào Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn DigiNet, xác định, kinh doanh trong lĩnh vực phần mềm là nghề nhặt bạc cắc, bởi doanh số cao nhất của doanh nghiệp ngành này cũng không bằng một góc của các ngành công nghiệp khác như xe hơi, điện tử.
Thay đổi chiến lược để phục hồi
“Hiện tại, Công ty đã được vực dậy sau khủng hoảng và quyết định thay đổi chiến lược để sớm phục hồi”, ông Anh cho biết. DigiNet có thế mạnh trong việc cung cấp các gói ERP (Enterprise Resource Planning, tạm dịch: Hoạch định Tài nguyên Doanh nghiệp). Công ty vừa tung ra gói sản phẩm ERP Quản trị Doanh nghiệp Nhỏ trị giá 5.000 USD được thiết kế tinh gọn từ gói sản phẩm lớn trị giá 50.000 USD gồm nhiều tính năng về tài chính, nhân sự, sản xuất và phân phối bán hàng. “Tinh gọn nhiều tính năng và giảm giá gói ERP là giải pháp tình thế và mục tiêu chỉ phục vụ doanh nghiệp nhỏ, có hệ thống quản lý đơn giản”, ông Anh chia sẻ thêm.
DigiNet xuất thân là công ty chuyên nhập khẩu và kinh doanh máy tính từ năm 1996. Năm 1998, sau lần gặp gỡ doanh nhân Nguyễn Đăng Tiến (Việt kiều Mỹ), ông Anh nhận thấy gợi ý của ông Tiến về việc đầu tư nghiên cứu và làm lĩnh vực phần mềm theo xu hướng phát triển của ngành công nghệ thông tin thế giới là một hướng đi hợp lý. “Duyên gặp gỡ anh Tiến là bước ngoặt đối với Công ty”, ông Anh nói.
DigiNet hiện có gói dữ liệu thông tin chi tiết của hơn 500.000 doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Ông Anh cho biết: “Mục tiêu của gói thông tin này là phục vụ việc bán hàng. Ngoài ra, những thông tin của các doanh nghiệp được cập nhật liên tục cho tôi thấy được những thay đổi của nền kinh tế quốc gia. Điều đó đưa đến những hiểu biết rất thú vị”.
Trong thị trường sản xuất và kinh doanh phần mềm tại Việt Nam, ông Anh xếp DigiNet ở hạng trung, trên các doanh nghiệp phần mềm vừa và nhỏ nhưng sau 2 tập đoàn nước ngoài chuyên cung cấp phần mềm quản trị doanh nghiệp là SAP (Đức) và Oracle (Mỹ). Nói về tầm vóc công ty, ông Anh cho biết: “Những tập đoàn lớn thường ký những hợp đồng từ vài trăm ngàn USD trở lên, còn chúng tôi thường chỉ nhận được các hợp đồng trị giá từ 20.000 - 25.000 USD”.
DigiNet cũng nhận được một vài lời đề nghị cung cấp giải pháp ERP độc quyền cho một tập đoàn và không bán cho bất kỳ khách hàng nào khác. Nhưng ông Trần Đào Anh đã từ chối. Theo ông, không một doanh nghiệp nào có thể tồn tại và giàu có nhờ vào việc bán sản phẩm chỉ cho một khách hàng. Đơn giản là vì, khách hàng đôi khi lạc quan thái quá về thành quả họ vừa gặt hái được trong 6 tháng - 1 năm trước đó, nhưng chặng đường tiếp theo chưa ai biết được điều gì sẽ xảy ra.
Bài học từ việc “có mới nới cũ”
Trần Đào Anh tâm sự: “Trong suốt 14 năm hoạt động, năm 2009 có thể nói là năm đau đầu nhất. Tôi có tất cả: thương hiệu, sự tín nhiệm của khách hàng, niềm tin của nhân sự, khối tài sản hàng trăm tỉ, nhưng doanh thu thì không có”. Ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế khiến doanh thu công ty có khi giảm hơn 60%, trong khi lương và các chi phí vận hành vẫn phải chi ra đến tiền tỉ. Làm sao để cứu Công ty?
Lối thoát cho khủng hoảng lại đến từ một bài học cũ. Cách đây 5 năm, khi nghiên cứu nguyên nhân thành công của một tập đoàn phần mềm Đức, ông Anh nhận thấy rằng, trong lĩnh vực phần mềm, quan trọng không phải là tìm khách hàng mới mà là chăm sóc khách hàng hiện hữu chu đáo hơn. Năm 2009, khi sa vào khủng hoảng, ông Anh áp dụng bài học này và thấy rằng đây là cách thức hoàn toàn đúng. Chính trong thời điểm khó khăn, những hợp đồng bảo trì, mua sản phẩm nhỏ của khách hàng cũ đã cứu DigiNet.
“Hiện nay, doanh thu của chúng tôi có 30% là từ bán cho khách hàng mới và 70% từ các dịch vụ và bán bổ sung cho khách hàng cũ”, ông cho biết. Trong khi trước đó, vào giai đoạn 2000-2008, có khi 80% doanh thu của Công ty thu được từ việc bán cho khách hàng mới. Trong giai đoạn này, ông Anh cũng nhận ra chính sách “có mới nới cũ” đã khiến công ty mất ít nhất 20% số khách hàng thân thuộc. “Đó là bài học sâu sắc. Bởi cũng như nhiều doanh nghiệp khác, chúng tôi đã rơi vào vòng xoáy của phát triển nóng”, ông bộc bạch.
Với những trải nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á 1997 và thế giới 2008, ông Anh tự so mình với một thủy thủ đi biển giàu kinh nghiệm, đủ tinh tường để chọn đường biển nào ít gặp sóng ngầm, đá ngầm, nguy cơ hải tặc thấp nhất hay gần những nơi trú bão an toàn nhất. “Đừng bao giờ để mọi cái rơi vào tình trạng quá mức”, ông nói.
Lạc đà trên sa mạc
Nếu tự đánh giá tài quản trị nhân sự của mình, Trần Đào Anh tự cho 7,5/10 điểm. “Tôi là nhà quản trị sẵn sàng lắng nghe và học hỏi từ cộng sự, đối tác, khách hàng và nhân viên của mình. Tất nhiên, nghe nhiều, đọc nhiều nhưng phải nghĩ bằng đầu của mình”, ông chia sẻ. “Tôi không nghĩ mình là lãnh đạo giỏi trong thời kỳ phát triển nóng, nhưng tôi rất tự tin trong thời kỳ khủng hoảng, biết cách phục hồi ngay sau những xáo trộn”.
Ông Anh lấy hình tượng con lạc đà đi trên sa mạc để chia sẻ triết lý trong quản trị doanh nghiệp của mình: Phải biết tích lũy nước để về đích thành công. Ông nói: “Tồn tại là trên hết. Nhưng muốn tồn tại phải hiểu môi trường xung quanh. Tôi thích là cây con mọc xanh tốt trong hốc đá của một thác nước khổng lồ hơn là cây được bơm thuốc tăng trưởng, lớn nhanh nhưng lại không chịu nổi phong ba bão táp”.
Khi nói về ước mơ của một doanh nhân, ông cho rằng, thế hệ của ông chỉ là những người đi trước dọn đường. Lịch sử phát triển kinh tế của Việt Nam sẽ được tiếp tục xây dựng và những tên tuổi được thế giới biết đến hy vọng sẽ nằm ở thế hệ sau.
“Chúng tôi chứng kiến nhiều sự thăng trầm trong lịch sử phát triển đất nước. Trong bối cảnh hiện tại, tôi không ảo tưởng cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam có thể thực hiện được giấc mơ hùng mạnh như nhiều tập đoàn nước ngoài. Tôi cũng như thế hệ của mình sẽ cố gắng làm tốt nhiệm vụ dọn đường cho thế hệ các nhà kinh doanh giỏi sau này”, ông xác định.
Hơn một năm nay, DigiNet đã chủ trương phát triển ra thị trường châu Á, đầu tiên là Malaysia. Tuy nhiên, theo ông, rào cản lớn nhất của Công ty chính là nguồn nhân lực phục vụ thị trường nước ngoài. Tuyển dụng được chuyên gia ngành ERP thành thạo tiếng Anh đã khó, thuyết phục để họ chấp nhận ra nước ngoài làm việc lại càng khó hơn. “Quá nhiều người đến xin việc với một tập bằng cấp cầm trong tay nhưng thực hành vài thao tác cơ bản của nghề là không làm được. Nói thật, tôi lo ngại tính chân thực các loại bằng cấp, chứng chỉ ở Việt Nam”, ông nói thêm.
Hằng Nga
Nguồn: Nhịp cầu đầu tư
THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 2 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8
Kết quả Vòng 2 của kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...
THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 1 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8
Kết quả Vòng 1 của Kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...
THÔNG BÁO ĐÓNG CỔNG ĐĂNG KÝ DỰ TUYỂN
IPL Scholarship cảm ơn các bạn đã quan tâm và đăng ký dự tuyển IPL Scholarship Khóa 8. Hạn chót gửi Hồ sơ dự tuyển...
IPL INFO SESSION - Học "Lãnh đạo Khai phóng" là học gì?
Buổi Info Session này cũng sẽ làm rõ các “Q&A” về IPL Scholarship Khóa 8 đang tuyển sinh. Tại đây, các doanh nhân trẻ...