Tuyển sinh

Tin tức

Trịnh Thanh Lâm và những bài học từ Bill Gates

Hai năm làm việc tại Microsoft, tiếp xúc trực tiếp với nhà sáng lập Tập đoàn, Bill Gates, đã cho Trịnh Thanh Lâm những bài học hay về kinh doanh trong môi trường toàn cầu.

Trải qua 13 năm làm việc tại các tập đoàn công nghệ đa quốc gia như Intel, Microsoft, Hewlett-Packard (HP), Trịnh Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Nhóm Máy tính Cá nhân HP Việt Nam, thấm thía một điều rằng, doanh nhân mà không có bạn sẽ là nỗi bất hạnh lớn. Vì thế, mỗi nơi đi qua, anh luôn cố gắng tìm thêm bạn mới cũng như tận dụng cơ hội học hỏi.

Quãng thời gian làm việc tại Microsoft dù ngắn nhất (2005-2007), nhưng lại có ý nghĩa nhất đối với anh. Nó cho anh cơ hội học hỏi nhiều điều và hiểu rõ hơn về nhà sáng lập Microsoft - tỉ phú Bill Gates, người mà anh hằng ngưỡng mộ.

Cách đây 5 năm, Lâm mang một cái tên thân mật là “người nhà” của Gates. Nguyên cớ là anh phải bay đi bay lại giữa Mỹ và Việt Nam để sắp xếp công việc và lịch trình cho chuyến thăm của Gates đến Việt Nam vào tháng 4.2006 theo lời mời của Thủ tướng đương nhiệm Phan Văn Khải. Trước đó, vào tháng 6.2005, Lâm cũng từng được giao nhiệm vụ tổ chức và phiên dịch cho Gates khi đón tiếp ông Khải tại trụ sở của Microsoft ở Seattle (Mỹ).

Nhân dịp Xuân Tân Mão, hãy nghe Lâm chia sẻ những điều thú vị về Gates và kế hoạch quay lại nghiệp giảng dạy kinh doanh của anh trong môi trường toàn cầu hóa.

Khi có cơ hội được làm việc trực tiếp với Gates, anh cảm thấy thế nào?

Được làm người dẫn chương trình kiêm phiên dịch cho Gates là một cơ hội tuyệt vời, nhưng thách thức cũng rất lớn. Tuy nhiên, tôi tâm niệm điều quan trọng trong lúc chờ cơ hội đến là phải tự học, tự hoàn thiện mình. Và khi cơ hội đến, mình đã có đủ cơ sở để nắm bắt nó.

Chẳng hạn, Gates có thói quen nói cho đến hết suy nghĩ của mình. Và khi Gates tiếp ông Khải tại trụ sở Microsoft ở Seattle, tôi không lần nào yêu cầu Gates dừng lại cho tôi dịch được. Thế nhưng, tôi vẫn dịch đúng và đủ ý. Tôi nghĩ đó là điều mà Gates thích nhất ở tôi. Vì thế, tôi tiếp tục được giao nhiệm vụ tổ chức và phiên dịch cho Gates khi ông ấy sang thăm Việt Nam vào năm 2006.

Anh nói rằng doanh nhân không có bạn là thiệt thòi lớn. Vậy tình bạn của Gates thì thế nào?

Văn hóa Á Đông và văn hóa Mỹ có rất nhiều điểm khác biệt. Đối với người Mỹ, công việc là quan trọng nhất, sau đó đến các sở thích cá nhân. Gates là người biết cân bằng trong cuộc sống: làm tất cả mọi thứ, mọi lúc, mọi nơi, chỉ trừ vào dịp cuối tuần. Tôi biết bạn thân nhất của Gates là tỉ phú Warren Buffett, ông chủ của Tập đoàn Berkshire Hathaway, dù họ cách nhau hơn 20 tuổi. Vào dịp cuối tuần, gia đình Gates thường đến thăm trang trại của Buffett và trao đổi về nhiều lĩnh vực, trong đó có chương trình vận động các tỉ phú trên thế giới tham gia làm từ thiện.

Bất kỳ ai, dù là giỏi nhất, cũng đều có điểm yếu. Theo anh, điểm yếu của Gates là gì?

Ông ấy tài giỏi, nhưng không phải lúc nào cũng được ca tụng. Nhiều nhân viên cảm thấy sợ chính tư duy thiên tài của Gates, bởi ông ấy muốn mọi người phải đoán được ý mình khi làm việc cùng, nếu không ông ấy rất cáu giận và có thể cho nhân viên nghỉ việc vì điều đó.

Hiện tại, Gates đang rất cần thời gian. Ông ấy thực sự muốn làm rất nhiều việc để giúp xã hội, nhưng quỹ thời gian là có hạn.

Có lần anh chia sẻ với báo chí rằng, ai đảm nhận chức vụ của anh thì phải sẵn sàng làm cầu nối giữa văn hóa Việt với quản trị kiểu Mỹ. Vậy khi làm việc với các tập đoàn công nghệ đa quốc gia, anh đã kết hợp văn hóa phương Đông và quản trị phương Tây như thế nào?

Văn hóa Việt Nam nói riêng và phương Đông nói chung thường đặt lòng tin, mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau lên hàng đầu, đôi khi phải là bạn trước rồi mới nói đến chuyện kinh doanh. Trong khi đó, quản trị kiểu Mỹ xem luật lệ chính phủ, quy tắc của công ty là điều quan trọng nhất.

Chẳng hạn, cách thức lên kế hoạch và triển khai thực hiện của doanh nghiệp Mỹ rất khoa học và chặt chẽ. Họ quan tâm đến kết quả tức thì theo tháng, quý và năm, chứ không chú trọng nhiều đến những mục tiêu quá xa từ 5-10 năm như doanh nghiệp phương Đông. Người phương Đông đôi khi chấp nhận thua thiệt vài năm rồi gặt hái kết quả sau. Chính vì văn hóa khác nhau, nên mỗi giám đốc của một công ty đa quốc gia, theo tôi, đều phải là cầu nối để hệ thống vận hành nhịp nhàng và hiệu quả.

Anh học được gì từ Microsoft và từ Bill Gates?

Mặc dù khoảng thời gian làm việc ở Microsoft chỉ 2 năm, nhưng tôi đã học được nhiều điều từ tập đoàn phần mềm lớn nhất thế giới này, từ những quan điểm về phát triển phần mềm đến việc xây dựng các đội ngũ nghiên cứu và phát triển. Tất cả sáng tạo của Microsoft là nhằm tìm mối liên quan giữa phần mềm với các công nghệ của tương lai.

Cách thức làm việc của Microsoft dù chuyên nghiệp nhưng lại cứng nhắc, rườm rà, khiến họ chậm trễ trong việc nắm bắt cơ hội mới. Đó là lý do Microsoft vận hành chậm chạp hơn những đối thủ sinh sau đẻ muộn như Apple, Google, Facebook. Những điều trên cho thấy, không phải cứ là người đi sau hoặc có quy mô nhỏ là mất đi lợi thế.

Muốn tiến lên phía trước hay làm trong bất cứ môi trường nào, doanh nhân cũng phải học. Qua 2 lần làm việc với Gates, tôi nhận thấy ông ấy luôn tập trung cao độ và suy nghĩ logic đến tận cùng của vấn đề. Sau đó, ông so sánh với những vấn đề mình đã biết và đã xử lý được. Đặc biệt, Gates có trực quan tốt và khả năng tự học từ sách vở, bạn bè, từ công việc.

Theo anh, doanh nhân Việt Nam nên chuẩn bị gì cho toàn cầu hóa?

Đối với cuộc sống toàn cầu, ngoài việc ưa thích học hỏi, xử lý những thách thức lớn, doanh nhân còn phải rèn luyện sức khỏe để có thể chịu áp lực về sự thay đổi của không gian và thời gian. Tôi có thể bay từ Mỹ về Việt nam, quá cảnh ở Đài Bắc (Đài Loan), mất tổng cộng hơn 20 tiếng. Khi về tới Hà Nội, tôi chỉ cần 30 phút nghỉ ngơi là có thể tiếp tục công việc một cách bình thường (cười).

Vậy còn kế hoạch 50 tuổi sẽ quay lại nghiệp giảng dạy với giáo trình “Kinh doanh trong môi trường toàn cầu hóa”. Anh đã chuẩn bị cho việc này đến đâu rồi?

Tôi đang nỗ lực và chuẩn bị tâm lý cho việc này. Đối với tôi, công việc giảng dạy chính là viết sách. Tôi sẽ viết lại những gì mình đã trực tiếp trải nghiệm trong môi trường kinh doanh toàn cầu. Qua đó, trang bị cho các bạn trẻ mong muốn làm việc trong môi trường cạnh tranh quốc tế những kiến thức và phương pháp làm việc như lên kế hoạch phát triển công việc, xây dựng và phát triển các mối quan hệ cá nhân.

Mục tiêu của tôi là huấn luyện được một đội ngũ nhân lực năng động, sẵn sàng tham gia chuỗi kinh doanh toàn cầu nhưng vẫn mang đậm văn hóa Việt Nam. Hay nói cách khác, ngoài là đối tác làm ăn luôn biết giữ chữ tín, chúng ta còn phải xây dựng mối quan hệ bạn bè thân thiết, quan tâm đến cuộc sống của nhau.

Anh Hoa
Nguồn: Nhịp cầu đầu tư

Xem thêm: Nhà "truyền bá" công nghệ Trịnh Thanh Lâm

THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 2 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8

Kết quả Vòng 2 của kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...

THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 1 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8

Kết quả Vòng 1 của Kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...

THÔNG BÁO ĐÓNG CỔNG ĐĂNG KÝ DỰ TUYỂN

IPL Scholarship cảm ơn các bạn đã quan tâm và đăng ký dự tuyển IPL Scholarship Khóa 8. Hạn chót gửi Hồ sơ dự tuyển...

IPL INFO SESSION - Học "Lãnh đạo Khai phóng" là học gì?

Buổi Info Session này cũng sẽ làm rõ các “Q&A” về IPL Scholarship Khóa 8 đang tuyển sinh. Tại đây, các doanh nhân trẻ...