Tuyển sinh

Tin tức

Cơ hội từ đâu?

Mặc dù cho rằng mình không giỏi nắm bắt cơ hội nhưng qua mỗi suy nghĩ, hành động của Tô Hải, rõ ràng các cơ hội đi qua anh đều không bỏ lỡ.

Mới 38 tuổi nhưng Tô Hải đã thuộc lớp người am hiểu và gắn bó với thị trường chứng khoán Việt Nam ngay từ những ngày đầu thị trường hình thành. Tên tuổi anh từng gắn với nhiều dự án lớn của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nơi anh từng công tác. Hiện nay, dưới sự điều hành của anh, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã lọt vào nhóm 10 công ty có thị phần môi giới lớn nhất trên sàn HoSE (Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM) 6 tháng cuối năm, đồng thời là một trong số các công ty chứng khoán có mảng tư vấn doanh nghiệp dẫn đầu thị trường, nổi bật với nghiệp vụ mua bán và sáp nhập (M&A).

 
Anh Tô Hải, Tổng Giám đốc
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC).
 

Tuy nhiên, nhắc đến Tô Hải, đồng nghiệp vẫn ngưỡng mộ nhất ở anh khả năng nhìn thấy cơ hội và ra quyết định chớp thời cơ. Tô Hải rẽ ngang công việc bưu chính viễn thông để đi du học ngành tài chính chứng khoán, khi mà thị trường chứng khoán chưa hình thành tại Việt Nam. Nhưng anh bảo: “Tôi nghĩ quyết định của mình cũng đơn giản như việc những bạn trẻ bây giờ muốn đi du học thôi, chỉ khác là ngành tôi xác định học lúc đó chưa có ở Việt Nam. Xem như tôi bỏ ra 2 năm để tiếp cận cái mới, thỏa mãn những thắc mắc của mình. Nếu học về mà không có chỗ ứng dụng thì lại tiếp tục với nghề cũ chứ có mất gì đâu”.

Nhưng chắc anh phải có dự cảm hoặc tính toán nào đó mới ra quyết định chứ không đơn giản vì muốn tìm hiểu cái mới?

Thời điểm đó, dù đi làm trong ngành viễn thông nhưng tôi cảm thấy như làm công chức. Môi trường đó không phù hợp với tôi. Công việc khá đơn điệu và phạm vi tiếp xúc xã hội khá hạn hẹp. Muốn thăng tiến phải có thâm niên hoặc tài năng đặc biệt, mà nhìn lại, tôi chẳng thấy mình giỏi giang gì cả. Vì vậy, muốn thay đổi, nắm bắt cơ hội, tôi nghĩ mình phải là người đầu tiên đi tiếp cận cái mới.

Cái mới mà anh nhìn ra là ngành chứng khoán và cơ hội mới là vừa học xong, anh có tìm được đất dụng võ?

Khi về nước, tôi nộp đơn xin vào Công ty Chứng khoán Bảo Việt. Trong thời gian chờ đợi thi tuyển, tôi về làm cho Công ty Dầu khí Việt - Nhật ở Vũng Tàu. Thú thật là vì ở đó trả lương khá cao hơn so với những công việc khác nhưng tôi không thấy thích công việc đó. Chỉ làm chừng vài tháng, có kết quả chính thức vào Bảo Việt là tôi xin nghỉ.

Tôi về Bảo Việt làm chuyên viên phân tích và tư vấn, với mức lương mà bạn bè nghe tới phải phì cười, khoảng 1,7 triệu đồng/tháng, nhưng 3 tháng thử việc, mỗi tháng là 800.000 đồng.

Điều này có vẻ không hợp lý khi anh đi du học về, có bằng thạc sĩ mà vẫn chấp nhận làm việc với mức lương như vậy?

Tôi có một may mắn là gia đình chưa bao giờ gây áp lực phải kiếm tiền. Lúc đó, dù đã đi làm, thẻ tín dụng của tôi vẫn do mẹ tôi trả. Nhưng điều quan trọng là tôi thấy thích thú với công việc của mình.

Với mức thu nhập khiêm tốn đó, thị trường chứng khoán đã để xảy ra đợt mất nhân lực khá lớn. Họ - thế hệ chuyên viên chứng khoán đầu tiên - đa phần là người giỏi. Đầu vào ngành chứng khoán thời điểm đó lại quá khắt khe, như tôi dù tốt nghiệp ở nước ngoài vẫn phải trải qua đủ 3 vòng thi tuyển, ứng viên dự thi đông như thi đại học (cười). Khắt khe nhưng thu nhập lại thua xa các ngành nghề khác nên chỉ những người thực sự yêu nghề mới trụ lại được.

Thực ra, ở giai đoạn đầu phát triển của thị trường, ít ai biết trước con đường mình đi sẽ ra sao. Nhờ có cơ hội học tập và tham gia thị trường chứng khoán nước ngoài nên tôi nhìn thấy một phần con đường đó, biết được công việc của người làm ngành chứng khoán sẽ như thế nào khi thị trường phát triển.

Nhìn vào lý lịch, chỉ sau hơn 2 năm, anh đã từ vị trí chuyên viên phân tích trở thành Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Chi nhánh Công ty tại TP.HCM, có thể thấy là anh đã thăng tiến rất nhanh?

Đâu có nhanh, so với những bạn thế hệ 8X bây giờ, tôi còn thua xa.

Hồi đó Bảo Việt ít người. Tôi nghĩ họ nhìn đi nhìn lại, thấy không ai thích hợp hơn nên mới chọn tôi thôi. Mà cũng thừa nhận một điều là anh Nguyễn Quang Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt lúc đó, phải bản lĩnh lắm mới cất nhắc và quy hoạch người mới như tôi. Quá trình bổ nhiệm diễn ra từ từ chứ không phải tôi được đề bạt ngay đâu.

Vậy anh nghĩ gì về 4 chữ “nắm lấy cơ hội” trong cuộc đời?

Mọi người cứ nghĩ cơ hội qua rồi thì không quay trở lại nhưng thật ra cơ hội vẫn đến thường xuyên. Vấn đề là người ta có dũng cảm để quyết định chớp lấy cơ hội hay không.

Giống như việc tôi rời Công ty Chứng khoán Bảo Việt sang Công ty Chứng khoán Đông Á rồi quay trở lại Bảo Việt. Hồi đó, tính màu cờ sắc áo của các công ty chứng khoán rất cao. Khi đã nghỉ làm, thường là ra khỏi ngành, chứ cũng ít ai sang công ty chứng khoán khác, huống hồ là quay lại công ty cũ như tôi. Nhưng tôi nghĩ, người ta có bản lĩnh mời tôi quay lại, cơ hội lại tốt hơn, tại sao phải từ chối.

Thế nên người ta mới nhận xét anh là người chớp cơ hội rất giỏi?

Tôi chỉ là người năng động chứ không phải là người giỏi chớp cơ hội. Có nhiều người trên thị trường chứng khoán chớp cơ hội nhanh hơn tôi.

Nhưng rõ ràng, cho tới bây giờ nhìn lại, các tính toán của anh đều chính xác?

Đúng là hầu hết các tính toán của tôi khá chính xác, chắc có thêm yếu tố may mắn nữa (cười).

Anh đã là Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Bản Việt được 3 năm. Nhưng nhắc đến anh, nhiều người nói nhớ Tô Hải của Bảo Việt hơn?

Đây cũng là điều dễ hiểu. Hồi tôi còn làm, Bảo Việt đã đạt được nhiều thành công. Ngoài việc dẫn đầu thị phần môi giới như tôi đã đề cập, Công ty còn đứng đầu cả mảng tư vấn và bảo lãnh phát hành.

Tôi nhớ những năm 2006-2007, thị trường có 5 đợt bảo lãnh phát hành lớn trên 1.500 tỉ đồng thì đến 4 đợt bảo lãnh phát hành trong số đó là do Bảo Việt thực hiện. Bảo Việt cũng là công ty đầu tiên tiếp cận và thuyết phục Công ty Dược Imexpharm lên sàn. Sau sự kiện đó, các công ty ngành dược đua nhau niêm yết.

Lúc đó, Bảo Việt còn là điểm đến hàng đầu khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam thông qua chúng tôi như Merryll Lynch, UBS, JP Morgan. Trong nước, chúng tôi là nhà môi giới chính của PXP, Vina Capital, DC, Vietfund.

Nhưng thực ra, những công việc tôi đang thực hiện ở Bản Việt thách thức và khó khăn hơn nhiều. Xây dựng mới hoàn toàn bao giờ cũng mất thời gian và lâu được thừa nhận hơn là phát triển trên nền tảng cũ. Mặt khác, điều làm tôi vui bây giờ là khi nói tới Bản Việt, người ta nhắc tới tập thể, chứ không nhắc tới một cá nhân nào nhiều. Đấy cũng là chiến lược mà Hội đồng Quản trị giao cho tôi thực hiện.

Các công ty chứng khoán đều triển khai mảng M&A nhưng đa số thương vụ lớn như Holcim mua Nhà máy Xi măng Cotec hay Xi măng Hà Tiên 2 sáp nhập vào Xi măng Hà Tiên 1 đều do Bản Việt tư vấn. Anh có chiêu thức gì đặc biệt chăng?

Bản thân tôi cũng có khi ngạc nhiên tại sao chiến lược của Công ty lại thành công nhanh như vậy (cười). Làm M&A thực ra là công việc đòi hỏi kinh nghiệm và có tính cam kết rất cao. Nó cũng cần những kỹ năng mềm không thể diễn ra thành lời. Quan trọng hơn là mình phải biết vào những chỗ nóng nhất để có được những hợp đồng nóng nhất. Cũng không loại bỏ yếu tố Bản Việt chọn mảng M&A là cốt lõi cho chiến lược 3 năm đầu tập trung phát triển nên cũng có những thế mạnh riêng.

Khi nhà đầu tư ào ào mua vào cổ phiếu niêm yết, anh lại hướng quan tâm đến IPO của doanh nghiệp nhà nước. Khi các công ty chứng khoán mở rộng thị phần môi giới, chú ý mảng tự doanh, anh hướng thế mạnh của Bản Việt vào mảng dịch vụ - tư vấn. Do đâu mà anh luôn có những chiến lược trái ngược như vậy?

Đó không phải là cách làm trái ngược. Đó chỉ là cách phát huy những điểm mạnh của mình và tìm kẽ hở của thị trường mà thôi. Ví dụ, chúng tôi xác định Bản Việt ra đời sau và không được hưởng các ưu đãi như những công ty chứng khoán đi trước nên tôi phải tìm những kẽ, những mảng mà người ta ít chú ý để tạo dựng lợi thế. M&A là lĩnh vực mà tôi nghĩ có thể tạo thành mũi nhọn trước. Một khi tạo được uy tín thương hiệu, Bản Việt phát triển mảng bảo lãnh phát hành hay môi giới sẽ thuận lợi hơn.

Sau bao nhiêu năm có ăn có thua trên thị trường chứng khoán, anh có phát hiện gì cho riêng bản thân trong chặng đường làm nhà đầu tư?

Tôi xác định vị trí của mình là doanh nhân, người phát triển doanh nghiệp chứ không phải người đầu cơ. Mặc dù vậy, tôi hiểu tâm lý nhà đầu tư là thích chớp cơ hội.

Khi nghe kinh tế Việt Nam tăng trưởng ầm ầm, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã nhào tới Việt Nam. Nhưng nếu để ý, cùng với lớp người nhảy vào là làn sóng rút ra. Đó là vì người ta nhận thấy Việt Nam không phải quá tiềm năng như từng nghĩ vào năm 2007. Kinh tế của chúng ta có thời gian tăng trưởng nhanh là nhờ đầu tư, đặc biệt là đầu tư công. Sẽ phải trải qua một chặng đường rất dài nữa, doanh nghiệp Việt Nam mới đủ sức bước ra thế giới, để Vinamilk có thể trở thành Nestlé, Thép Việt trở thành Mittal hay Masan trở thành Berkshire Hathaway. Muốn vậy, các doanh nghiệp phải tập trung vào thế mạnh của mình, tránh phân tán lực vào những cơ hội đầu cơ không phải sở trường.

Chúng ta đang lập lại sai lầm của Thái Lan trước năm 1997. Như năm 2006-2007, tôi thấy đến 80-90% hồ sơ phát hành, kể cả doanh nghiệp không kinh doanh bất động sản đều có phương án huy động vốn để sử dụng vào dự án bất động sản. Rồi đợt sóng thành lập công ty chứng khoán vừa qua cũng tương tự thế. Những chuyện như vậy cho thấy yếu tố đầu cơ trong giới doanh nghiệp là quá cao. Khi hành vi doanh nghiệp cũng mang tính đầu cơ thì sẽ rất khó tạo nên một nền kinh tế phát triển bền vững. Khi dòng vốn không chảy vào những nơi cần thiết, đó sẽ là điều cực kỳ nguy hiểm.

Theo phân tích của anh, bức tranh thị trường chứng khoán Việt Nam không được lạc quan cho lắm?

Đúng là tương lai gần, thị trường chứng khoán còn nhiều điều chưa ổn do tính đầu cơ còn cao. Nhưng hy vọng rằng sau cơn khủng hoảng này, các doanh nghiệp sẽ rút ra bài học để lớn mạnh nhanh hơn. Tôi hy vọng chuyện thần kỳ của các đại công ty Hàn Quốc như Samsung, Deawoon hay LG sau đợt khủng hoảng kinh tế năm 1997 sẽ lặp lại với các công ty Việt Nam. Một khi chúng ta đã có những công ty lớn mạnh, lo gì nhà đầu tư không được hưởng lợi từ đó!

Trong bối cảnh thị trường không thuận lợi, điều gì là quan trọng nhất đối với nhà lãnh đạo doanh nghiệp ngành chứng khoán?

Khả năng ra quyết định.

Ngọc Thủy
Nguồn: Nhịp cầu đầu tư

THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 2 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8

Kết quả Vòng 2 của kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...

THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 1 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8

Kết quả Vòng 1 của Kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...

THÔNG BÁO ĐÓNG CỔNG ĐĂNG KÝ DỰ TUYỂN

IPL Scholarship cảm ơn các bạn đã quan tâm và đăng ký dự tuyển IPL Scholarship Khóa 8. Hạn chót gửi Hồ sơ dự tuyển...

IPL INFO SESSION - Học "Lãnh đạo Khai phóng" là học gì?

Buổi Info Session này cũng sẽ làm rõ các “Q&A” về IPL Scholarship Khóa 8 đang tuyển sinh. Tại đây, các doanh nhân trẻ...