E- CEO
CEO (giám đốc điều hành), người lãnh đạo cao nhất trong doanh nghiệp (DN), phải có tầm nhìn chiến lược và chịu trách nhiệm chính về hoạch định chiến lược, trong đó có chiến lược ứng dụng công nghệ thông tin và e-business (thương mại điện tử - TMĐT). Để hoàn thành trách nhiệm này, CEO cần đánh giá đúng các yếu tố của thị trường hiện tại, nắm được các xu hướng phát triển của tương lai.
Kéo và đẩy
Hiện nay, TMĐT đã trở nên phổ biến trên thế giới và ứng dụng TMĐT cũng trở thành tiêu chuẩn bình thường đối với DN khi tham gia hợp tác kinh tế quốc tế. DN nào đáp ứng được các yêu cầu về ứng dụng TMĐT sẽ có ưu thế vượt trội và nhiều khả năng được các DN lớn lựa chọn làm đối tác kinh doanh.
TMĐT giúp DN tiếp cận thị trường quốc gia và quốc tế với chi phí thấp; giúp giảm chi phí, đặc biệt là chi phí tạo lập, xử lý, phân phối, bảo quản và hiển thị thông tin, chi phí xây dựng, duy trì và quản lý các cửa hàng vật lý, kho hàng, chi phí tồn kho, chi phí tác nghiệp; giúp DN hoàn thiện chuỗi cung ứng; thay đổi về cơ bản khả năng đáp ứng nhu cầu cá biệt của khách hàng, chuyển hướng chiến lược sản xuất kinh doanh từ “đẩy” sang “kéo”; xây dựng các mô hình kinh doanh mới; cải thiện công tác quản lý mối quan hệ khách hàng, quảng bá thương hiệu của công ty...
Ứng dụng TMĐT vừa yêu cầu, vừa tạo điều kiện cho quá trình không ngừng tìm tòi, học tập, nâng cao trình độ tri thức trong đội ngũ lãnh đạo cũng như cán bộ, nhân viên; giúp hoàn thiện các kỹ năng công tác cũng như các chuẩn mực quan hệ mới, góp phần hình thành văn hóa DN theo hướng hiện đại và hội nhập.
Bên cạnh những lợi ích TMĐT mang lại, khi DN hoạch định chiến lược ứng dụng TMĐT cũng cần nhận thức được các thách thức, trở ngại. Đó là, so với các nước phát triển, hạ tầng công nghệ, kinh tế, văn hóa - xã hội và luật pháp của ta chưa thực sự thuận lợi cho triển khai TMĐT rộng rãi ở các cấp độ cao.
Chẳng hạn, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đủ mạnh, chưa rộng khắp, tỷ lệ dân số sử dụng internet còn ở mức trung bình. Trong các ngành kinh tế, việc cấu trúc DN theo các chuỗi cung ứng bền vững chưa phổ biến.
Lĩnh vực logistics, cơ sở hạ tầng phân phối cho các hoạt động TMĐT, còn kém phát triển. Đa số dân chúng có thu nhập thấp, có thói quen mua bán truyền thống, ít tiếp cận các phương thức thương mại hiện đại; hạ tầng thanh toán điện tử chưa phát triển; văn hóa của người bán và người mua chưa cao, chưa tạo được niềm tin cho nhau và niềm tin đối với TMĐT.
Hệ thống thực thi pháp luật kém, hàng giả, hàng hóa, dịch vụ không đảm chất lượng như cam kết còn phổ biến. An ninh mạng tiếp tục là một vấn đề nóng.
Hài hòa thị trường thực và ảo
Khi hoạch định chiến lược và kế hoạch ứng dụng TMĐT, cần lưu tâm một số vấn đề sau: mức độ, quy mô và mô hình ứng dụng TMĐT của DN phụ thuộc vào mục tiêu, tính chất và quy mô hoạt động của DN.
Đối với các công ty kinh doanh truyền thống với các tác nghiệp ngoại tuyến là chủ yếu thì một website với các tính năng đơn giản giúp giới thiệu công ty, hàng hóa và dịch vụ của công ty chào bán có thể là đủ. Nhưng đối với các công ty mong muốn triển khai hệ thống bán hàng B2C trên mạng với một quy trình đầy đủ (giới thiệu, chào hàng, nhận, xử lý đơn hàng, thanh toán, thực hiện đơn hàng, dịch vụ hậu mãi) thì chắc chắn đòi hỏi hệ thống TMĐT phức tạp hơn.
Đối với các công ty triển khai TMĐT B2B ở mức độ cao (có liên kết với các bạn hàng, chia sẻ thông tin, phối hợp kế hoạch sản xuất, liên kết giữa các giao dịch ra bên ngoài với các hoạt động quản lý bên trong công ty, mạng hóa các giao dịch nội bộ công ty...) thì mức độ phức tạp của hệ thống TMĐT sẽ càng cao hơn.
Ứng dụng TMĐT đòi hỏi phải đầu tư tài chính vào hạ tầng phần cứng và phần mềm. Nên thận trọng, không nên bắt đầu từ một dự án quy mô lớn, phức tạp, mà cần có sự thử nghiệm, học tập, rút kinh nghiệm từ quy mô nhỏ và mức độ đơn giản, hoặc từ một bộ phận nào đó của hệ thống, rút kinh nghiệm, mở rộng và nâng cấp.
Cân nhắc các vấn đề như lựa chọn mua trọn gói hay thiết kế theo yêu cầu cá biệt của DN, sử dụng nguồn lực bên trong hay nguồn lực bên ngoài trong xây dựng hệ thống TMĐT. Các DN nhỏ và vừa nên bắt đầu từ sử dụng nguồn lực bên ngoài (ví dụ: sử dụng dịch vụ của các website lớn, nổi tiếng, tham gia các sàn giao dịch, các chợ điện tử...) và các dự án không phức tạp.
Trong tương lai gần, loại hình tổ chức DN kinh doanh hỗn hợp truyền thống - TMĐT sẽ là loại hình áp đảo. Qua kinh nghiệm đúc kết được từ thực hiện các chiến lược kinh doanh, ngày càng nhiều DN và tổ chức chuyển sang duy trì hai kênh thương mại đồng thời và vấn đề lớn đặt ra là làm sao kết hợp được cả hai kênh kinh doanh trong việc lập kế hoạch, quảng cáo, logistics, phân bố nguồn lực..., và làm sao để các kế hoạch chiến lược về thị trường thực và thị trường ảo có thể hài hòa với nhau.
PGS.TS Nguyễn Văn Minh - Trường Đại học Ngoại thương
Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn
THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 2 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8
Kết quả Vòng 2 của kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...
THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 1 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8
Kết quả Vòng 1 của Kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...
THÔNG BÁO ĐÓNG CỔNG ĐĂNG KÝ DỰ TUYỂN
IPL Scholarship cảm ơn các bạn đã quan tâm và đăng ký dự tuyển IPL Scholarship Khóa 8. Hạn chót gửi Hồ sơ dự tuyển...
IPL INFO SESSION - Học "Lãnh đạo Khai phóng" là học gì?
Buổi Info Session này cũng sẽ làm rõ các “Q&A” về IPL Scholarship Khóa 8 đang tuyển sinh. Tại đây, các doanh nhân trẻ...