Về VN làm... công dân toàn cầu
16 năm theo học đàn với những nghệ sỹ tài danh ở Moscow – một trong những trung tâm nhạc hàn lâm của thế giới, vừa trở thành người người nước ngoài đầu tiên và duy nhất được chọn vào dàn nhạc thính phòng Virtuose Moscow danh giá nhất nước Nga, năm 2007, Bùi Công Duy đột ngột quay về nước làm giảng viên Nhạc viện Hà Nội.
Chàng nghệ sỹ trẻ mà tài năng đã đạt tới đẳng cấp thế giới này hoàn toàn tin tưởng rằng dù có về VN, anh vẫn có thể làm 1 công dân toàn cầu trong 1 môi trường làm việc toàn cầu.
Vào ngôi làng toàn cầu, phải “nhường” nhau một chút
Bùi Công Duy: "Môi trường làm việc ở đâu cũng có ưu điểm và hạn chế riêng, phải biết phát huy năng lực để có chỗ đứng ở bất kỳ đâu trong thế giới phẳng". Ảnh: Tiền phong Online |
Nhiều người cho rằng với tài năng và danh tiếng của mình, chỗ của Duy phải là những sân khấu hoành tráng, trong những dàn nhạc giao hưởng tầm cỡ quốc tế và nhận những tràng pháo tay tán thưởng từ những thính giả có trình độ thưởng thức nghệ thuật bậc cao.
Quả thực, những năm vừa qua, Duy đã từng biểu diễn ở rất nhiều nơi trên thế giới, cả Ý, Nhật, Đức, Thuỵ Sỹ, Macedonia, Ba Lan, Anh, Croatia, Nga, Trung Quốc và Pháp. Ở những nơi ấy, khán phòng luôn chật cứng những thính giả trung thành. Cả những doanh nhân giàu có cũng phải nghiêng mình trước các nghệ sỹ cổ điển thực thụ.
Duy đã trở thành 1 nghệ sỹ trẻ mà trình độ đã vươn tới đẳng cấp toàn cầu, đã chinh phục những đôi tai tinh tế nhất của thế giới và con đường tương lai rất rộng mở.
Nhưng ở lại dàn nhạc danh tiếng của nước Nga đồng nghĩa với việc phải từ bỏ quốc tịch VN nên Duy lựa chọn quay về ngay trong lúc tài năng đang tỏa sáng rực rỡ. Không hề nghĩ đó là 1 sự hy sinh hay thiệt thòi, Bùi Công Duy tâm sự: “Tất nhiên, tôi đã cân nhắc kỹ, thấy quay về tốt hơn thì mới đưa ra lựa chọn cuối cùng.”
Duy cho rằng thế giới đang mở cửa và VN không hề đứng yên 1 chỗ nên những người trẻ nếu có bản lĩnh và kiến thức thì dù ở VN hay bất cứ đâu cũng có thể trau dồi và phát huy khả năng của mình.
Môi trường làm việc ở đâu cũng có những ưu điểm và hạn chế riêng, 1 người trẻ nếu biết sử dụng năng lực của mình thì sẽ có chỗ đứng ở bất kỳ đâu trên thế giới phẳng này.
Ở VN tuy nhạc cổ điển vẫn chưa thực sự có vị trí tương xứng trong phần đông khán giả nhưng không phải không có cơ hội làm việc và phát triển. Về VN, Duy vẫn biểu diễn ở những chương trình hòa nhạc quốc tế lớn như Toyota Classic. Năm 2007, trong vòng 20 ngày, Duy diễn tới 5 buổi liên tiếp, 1 cơ hội trau dồi nghề nghiệp không dễ dàng có được.
Duy vẫn thường xuyên giữ liên lạc với các nghệ sỹ tên tuổi, các giảng viên ở nước ngoài để liên tục cập nhật những kiến thức mới về ngành mình đang theo đuổi. Năm 2009, Duy sẽ sang Nga để làm giám khảo cho 1 cuộc thi violin quốc tế, cuộc thi mà nhiều năm trước đây Duy đã đoạt giải nhất.
Với tất cả những công việc đang theo đuổi hàng ngày, Duy tin tưởng chắc chắn rằng, dù ở VN, Duy vẫn được làm việc trong môi trường toàn cầu.
“Phải tự tin khi ra thế giới. Nhưng để tự tin thì phải có học thức và hiểu biết, trình độ phải đạt ngang mức tối thiểu toàn cầu. Người ta nói gì làm gì mình không hiểu thì không thể hội nhập được.” - Duy bày tỏ.
Theo tư duy “duy cảm” và “duy lý” khác nhau thì người phương Tây vuông thành sắc cạnh, người phương Đông uyển chuyển linh hoạt hơn nhưng công dân toàn cầu gặp nhau ở kiến thức. Còn kỹ năng sống thì phải điều chỉnh theo từng nơi, từng nền văn hóa.
Đã tham gia vào ngôi làng toàn cầu thì mỗi bên phải “nhường” nhau 1 chút. Chẳng hạn 1 người phương Tây đến VN không thể giữ những thói quen hành xử như ôm hôn thoải mái ở nơi công cộng, vì nó không hợp với văn hóa của người Việt. Hoặc đôi khi cũng phải la cà quán xá uống cốc bia với đồng nghiệp sau giờ làm để hòa nhập với mọi người.
Đó mới là những công dân toàn cầu đích thực, tức là không chỉ làm việc được trong 4 bức tường của 1 tòa nhà đặt ở bất kỳ đâu trên thế giới mà còn thực sự hòa nhập được vào cuộc sống ở khắp thế giới.
Muốn thành công toàn cầu, người Việt phải đoàn kết
Vài nét về nghệ sỹ violin Bùi Công Duy: Sinh năm 1981 tại TP.HCM, bắt đầu học violin từ năm 4 tuổi dưới sự hướng dẫn của bố là GS.TS Bùi Công Thành Năm 1991 sang Nga học tại nhạc viện thành phố Novosibirsk, sau đó tốt nghiệp ĐH xuất sắc tại Nhạc viện Quốc gia Moscow mang tên Tchikovsky và tiếp tục được đào tạo nghiên cứu sinh tại đây. Năm 1989 : Giải Nhì cuộc thi âm nhạc Tài năng trẻ, năm 1990 đoạt giải Nhất cuộc thi âm nhạc toàn quốc Mùa thu. Năm 1993: Giải Nhất cuộc thi âm nhạc quốc tế Demidov tại Nga. Năm 1995: Giải Nhất cuộc thi âm nhạc quốc tế Z.Bron tại Nga. Năm 1997: Giải Nhất, Huy chương Vàng cuộc thi âm nhạc quốc tế dành cho lứa tuổi trẻ mang tên Tchaikovsky. Từng được bằng khen của Bộ Văn hóa Thông tin, Bằng khen của Thủ tướng, Huy chương Tuổi trẻ sáng tạo và được bầu là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu của VN năm 1997. Năm 2006: được mời làm việc tại dàn nhạc thính phòng Virtuose Moscow. Năm 2007: về VN làm giảng viên bộ môn violin tại Nhạc viện Hà Nội. |
10 tuổi bắt đầu sang Nga học tập, Duy được bố mẹ gửi vào ký túc xá, mỗi tuần chỉ về nhà 1 lần vào cuối tuần nên chỉ mất 2 tháng, Duy đã hòa nhập với môi trường mới, có thể đi chợ, đi chơi khắp nơi mà không cần bố mẹ.
Lúc đó, nước Nga với Duy là 1 vùng đất mới, giàu có và văn minh hơn nhiều so với quê hương. Nhưng Duy cũng hiểu rằng ở nước ngoài có thể rất sung sướng nhưng để được hưởng cái “sướng” đó thì không phải đơn giản. Muốn tiếp thu văn minh thì cũng phải có điều kiện, cả về kinh tế lẫn nhận thức.
Dù thế giới này đang bị “là phẳng” và khoảng cách giữa con người ở các quốc gia khác nhau cũng dần được rút ngắn nhưng người nước ngoài muốn thành công thì phải phấn đấu gấp 10 lần người bản xứ. Đó là quy luật của xã hội, không thể thay đổi dù trong thời đại toàn cầu.
Duy tâm sự: “1 người không thể làm nên thành công được mà nhiều người phải cùng hợp sức để hỗ trợ 1 người thành công. Người thành công đó lại tiếp tục kéo những người khác lên. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có những người Việt thành công lớn trên phạm vi toàn cầu như người Ấn Độ, Trung Quốc…”
Hồi còn ở Nga, mỗi khi đi chợ, Duy thường để ý so sánh cách buôn bán của người Việt với người Trung Quốc. Cùng buôn bán ở chợ, người Trung Quốc không bao giờ bán phá giá nhau. “Ma mới” nhiều khi còn được “ma cũ” nhường khách ruột để tạo quan hệ ban đầu. Vì thế cộng đồng người Trung buôn bán rất phát đạt. Còn người VN thì lại tự “giết” nhau để rồi cùng nhau đi xuống.
Duy chia sẻ: “Người VN không có tính tập thể, không vì mục đích chung. Người Trung Quốc có thể rất ghét nhau nhưng đến khi cần thì có thể gắn kết như 2 người bạn tốt nhất để cùng nhau đi lên. Vì thế, trong thời kỳ hội nhập, nếu người Việt muốn thành công lớn trên phương diện toàn cầu, không có cách nào khác là phải đoàn kết và cùng cố gắng.”
Không ai muốn mình bị tụt lại cả nên bản thân phải có khát khao đi lên trong thế hội nhập. Mà muốn hội nhập sâu, trước hết phải là những con người văn minh. Mỗi lần tông xe ngoài đường vẫn còn cãi vã nhau, dùng tới chân tay thì vẫn là văn hóa thô sơ kiểu… thời nguyên thủy chứ không phải thời hội nhập.
Với Duy, con đường hội nhập của VN nhất định phải qua nhịp cầu văn hóa nên Duy trở về VN để truyền niềm đam mê nhạc cổ điển cho lớp trẻ, để làm 1 “viên gạch lót đường” góp phần xây dựng nền văn hóa Việt trong thời hội nhập, để thế hệ trẻ trở thành công dân toàn cầu.
- Lan Hương
- Nguồn: Vietnamnet
THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 2 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8
Kết quả Vòng 2 của kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...
THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÒNG 1 - IPL SCHOLARSHIP KHÓA 8
Kết quả Vòng 1 của Kỳ tuyển sinh IPL Scholarship Khóa 8 đã được gửi đến tất cả các ứng viên qua email mà ứng viên...
THÔNG BÁO ĐÓNG CỔNG ĐĂNG KÝ DỰ TUYỂN
IPL Scholarship cảm ơn các bạn đã quan tâm và đăng ký dự tuyển IPL Scholarship Khóa 8. Hạn chót gửi Hồ sơ dự tuyển...
IPL INFO SESSION - Học "Lãnh đạo Khai phóng" là học gì?
Buổi Info Session này cũng sẽ làm rõ các “Q&A” về IPL Scholarship Khóa 8 đang tuyển sinh. Tại đây, các doanh nhân trẻ...