Trong lịch sử giáo dục Việt Nam có hai ngôi trường nổi bật là Quốc Tử Giám và Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT). Quốc Tử Giám được xem là “đại học” đầu tiên của Việt Nam, có bề dày ngàn tuổi. Còn ĐKNT (1907), một ngôi trường chỉ kéo dài vỏn vẹn trong 8 tháng ngắn ngủi, nhưng vẫn được nhớ đến như một ngôi trường rất đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Vì sao?
Đó là vì lần đầu tiên, Việt Nam có một ngôi trường gióng lên tiếng trống khai trí, khai phóng cho dân tộc mình. ĐKNT là một ngôi trường vì việc nghĩa, với mong muốn cải cách xã hội trong thời kì thuộc địa.
Đúng 100 năm sau, vào ngày 21/11/2007 tại TPHCM, được truyền cảm hứng từ tinh thần “khai phóng” và tinh thần “nghĩa thục” của ĐKNT, IPL Scholarship đã ra đời, với lý tưởng triển khai một mô hình giáo dục khai phóng chuyên biệt dành cho lãnh đạo trẻ và với tôn chỉ “phi lợi nhuận, phi chính trị và phi tôn giáo” nhằm góp phần phát triển một thế hệ doanh nhân mới.
Thế nào là thế hệ doanh nhân mới? Ở IPL, thế hệ doanh nhân mới được hiểu là một thế hệ doanh nhân không chỉ có năng lực lãnh đạo hay tài năng kinh doanh, mà còn có chiều sâu văn hóa, tính nhân bản và tinh thần ái quốc, một thế hệ doanh nhân “rất nhân loại, rất dân tộc và cũng rất là chính mình”, một thế hệ doanh nhân luôn tâm niệm “Kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội thông qua các sản phẩm dịch vụ tốt lành của mình”.
Với bề dày hoạt động và tinh thần tiên phong của mình, trong suốt hơn 15 năm qua, IPL Scholarship là nơi kết hợp thành công giữa “tinh thần Việt Nam” và “tinh hoa thế giới”, giữa “giáo dục khai phóng” và “phát triển lãnh đạo”. Trong đó, các cấu phần về “Giáo dục Khai phóng” sẽ do Viện Giáo Dục IRED phụ trách chính, còn các cấu phần về “Phát triển Lãnh đạo” sẽ do Trường Doanh Nhân PACE, FranklinCovey, Search Inside Yourself Leadership Institute, Blanchard Global, Balanced Scorecard VietNam và AMA American Management Association phụ trách chính.